Free Website Hosting

Chương 3:
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ 2
trên đất Kim Thành, Hải dương
Ngày 15-10-1946 chi bộ xã Cộng hòa được thành lập gồm 4 đồng chí: Trần Đình Cự, Đoàn Duy Thành, Bùi Quang Xôi, Phạm Tất Đạt, do đồng chí Trần Cự làm Bí thư.

Dự buổi lễ thành lập chi bộ, có các đồng chí Nguyễn Thượng Trình (tức Lê Ràm, Vũ Chính) phó bí thư Huyện uỷ Kim Thành, đồng chí Tăng Bá Chuẩn cán bộ huyện uỷ, đồng chí Vũ Chính nay đã 86 tuổi, đại tá về hưu. Lúc đó tôi mới 17 tuổi, làm Bí thư xã bộ Việt Minh. Ý kiến đồng chí Trình và đồng chí Chuẩn muốn tôi làm Bí thư chi bộ, nhưng tôi từ chối vì còn ít tuổi, để đồng chí Cự làm Bí thư, tôi sẽ làm tốt nhiệm vụ Bí thư xã bộ Việt Minh, trực tiếp phụ trách thanh niên cứu quốc xã và dân quân tự vệ.

Trong thời kì này công việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp rất khẩn trương. Hàng ngày tin tức chiến sự ở miền Nam đưa về, địch phá hiệp định đình chiến 6-3-1946, tạm ước 14-9-1946 gây ra bao nhiêu vụ bắn giết đồng bào ta ở Hải Phòng, Hà Nội... Bọn Quốc dân đảng phản động Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh núp sau bọn lính Tưởng Giới Thạch sang tước khí giới phát xít Nhật, nay quân Tưởng rút về nước, quân Pháp thay thế, chúng sợ chạy trốn theo quân Tưởng. Nhất là sau khi ta khám phá vụ thảm sát ở phố Ôn Như Hầu, Hà Nội (phố Phạm Gia Thiều ngày nay), bộ mặt thật của bọn Quốc dân đảng phản động ở phía bắc bị lột mặt nạ, những chi bộ Quốc dân đảng ở xã Lai Vu, Cộng Hòa đều co rúm lại không dám ngo ngoe gì nữa.

Tháng 11-1946 Pháp gây hấn ở Hải Phòng, chiếm Sở thuế quan (Hải quan) độc quyền thu thuế xuất nhập khẩu. Ta chiến đấu chống lại. Quân đội thực dân Pháp dùng tổng lực đánh chiếm Hải Phòng. Quân đội ta chiến đấu quyết liệt. Sau một tháng, do tương quan lực lượng ta yếu hơn địch, nên phải rút sang Kiến An để bảo toàn lực lượng kháng chiến lâu dài.

Tháng 12-1946 địch được viện quân từ Pháp sang, huy động quân ở Nam bộ ra, chúng khởi sự tiến công lên Hà Nội. Biết rõ âm mưu địch nên ta chủ động tiến công bết địch đóng ở cầu Lai Vu (do Hiệp định 6-3-1946 qui định ta đóng phía đầu cầu Hà Nội xuống, Pháp đóng đầu cầu phía Hải Phòng lên).

Hai đêm 19-20-12-1946 ta đánh cầu Lai Vu, đốt cháy cầu (lúc đó cầu bằng gỗ, do Nhật bắc tạm, cầu sắt bị quân đồng minh đánh sụp từ 1944). Tôi với cương vị chỉ huy dân quân tự vệ xã Cộng hòa, phối hợp với lực lượng chủ lực đánh cầu Lai Vu 2 đêm liền, chỉ đốt được cầu và tiêu hao một phần sinh lực địch, không tiêu diệt được bốt định đóng ở phía nam.

Chi bộ lúc đó mới thành lập được hơn hai tháng nhưng đã lãnh đạo nhân dân, dân quân du kích đánh địch rất quyết liệt. Trong số bốn đồng chí, khi chiến tranh nổ ra, đồng chí Đạt được điều về huyện phụ trách giao thông, đồng chí Cự, và đồng chí Xôi đưa gia 25 đình đi sơ tán. Huyện uỷ chỉ định tôi làm Bí thư chi bộ, trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang của xã cùng với lực lượng vệ quốc đoàn chiến đấu chống địch.

Sáng ngày 21-12-1946, quân đội thực dân Pháp gồm có xe tăng, xe bọc thép, tàu chiến, máy bay yểm trợ, kéo quân hai ngả tiến đánh đường số 5, mở đường tiến lên Hà Nội. Đường thủy chúng đi theo sông Kinh Môn, sông Kinh Thầy, đổ quân lên bến phà Tuần Mây để đánh chiếm ga Lai Khê, cách Tuần Mây 2 km dọc theo đường 186.

“Quân Pháp bị Hải đội Kí con và đại đội 3 của Trung đoàn Nam Long chặn đánh. Xã Cộng Hòa có 2 trung đội dân quân tự vệ, khoảng 70 người, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng do đồng chí Đoàn Duy Thành làm Bí thư chi bộ, tổ chức chiến đấu rất quyết liệt. Địch bị tiêu diệt một số tên, không tiến công được phải quay lại Tuần Mây, tổ chức lại lực lượng. Chúng tiếp tục tiến công. Đến chiều ngày 21-12-1946 địch mới chiếm được ga Lai Khê. Trong trận chiến đấu này dân quân tự vệ xã Cộng hòa hy sinh 2 đồng chí là: Liệt sĩ Đỗ Văn Điệu và Nguyễn Văn Tham...” (Trích báo cáo của Đảng uỷ xã Cộng hòa ngày 20-12-2003).

Trong trận chiến đấu này có một thương binh là anh Bùi Quang Ngong. Trong lúc đang chiến đấu quyết liệt anh bị thương vào cánh tay, anh vừa chạy vừa ôm cánh tay gẫy, máu chảy đầm đìa kêu cứu: “Nó bắn chết hết cả rồi”. Tôi quát to: “Chạy về phía sau có cứu thương, không được kêu la ầm ĩ”. Anh Ngong là bạn học của tôi, lại là anh ruột chị dâu tôi, nhưng có điều viết hồi kí cần tôn trọng sự thật nên tôi nói rõ, một điều mà trước đây gia đình anh Ngong có hỏi nhưng tôi chưa nói.

Nguyên do là có sự éo le phức tạp của cuộc đời anh Ngong. Anh sinh trưởng trong gia đình hào lí, nên khi cách mạng tháng 8- 1945 anh bị chú ruột là Lí trưởng cùng một vài đảng viên Quốc dân đảng phản động tuyên truyền, lôi kéo đi làm lính cho Quốc dân đảng, đóng ở thị xã Quảng Yên. Sau đó tôi bảo gia đình gọi anh ta về, không cho theo Quốc dân đảng. Anh đã bỏ về, rồi gia nhập dân quân tự vệ xã. Câu chuyện nếu đến đây kết thúc thì tôi vẫn có thể chứng thực cho anh là thương binh. Khốn nỗi trong những năm sau này, khi hồi cư về, mang cánh tay khoèo, không tham gia đoàn thể gì cả, hôm giỗ thầy dạy chữ nho ở thôn Tường Vu, vào Tường Vu cúng thầy, ăn uống xong không về nhà, lại đi “ghẹo gái” (bản tính anh này học dốt, nhưng đa dâm dục). Du kích xã bắt giải sang Thanh Hà, báo cáo là một tên Quốc dân đảng. Hôm sau tôi đi họp ở huyện về, xã báo cáo với tôi, tôi bảo: “Cậu này nó chẳng hiểu chính trị gì đâu, chỉ đi “ve gái” thôi. Trước cậu ta là lính Quốc dân đảng phản động, nhưng sau đã tham gia kháng chiến và bị thương. Cho cậu ta về”. Được tha nhưng anh ta lại còn nấn ná ở lại Thanh Hà mấy hôm chơi bời. Tôi đi vào đất Kim Thành một tuần sau ra Thanh Hà thì được biết đã xảy ra chuyện đáng tiếc. Xã gặp đồng chí chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện, báo cáo về việc anh Ngong, đồng chí chủ tịch huyện bảo: “Cho giết đi...”. Thế là dân quân du kích đêm đem ra sông giết anh Ngong. Sau này tôi hỏi đồng chí V.V.N chủ tịch huyện vì sao anh lại quyết định giết anh Ngong. Anh trả lời tôi: “Hồi đó còn trẻ cả, nên tả khuynh”. Tôi nói lại, nếu anh ta không bị giết, bây giờ có thể anh ta là thương binh chống Pháp đấy! Anh V.V.N tỏ vẻ buồn và ân hận... Sự việc khá phức tạp, suy đi nghĩ lại mãi chưa muốn nói. Nhưng anh Ngong là bạn học với mình, mình lại biết rõ sự thật 100%, không nói sẽ ân hận với lương tâm... Còn nay nên giải quyết như thế nào cho hợp với đạo lí và chính sách của Đảng và Nhà nước, thực là khó. Nhưng vẫn có thể giải quyết được, nếu ta quyết tâm giải quyết đúng với bản chất của sự việc.

Còn anh Trần Cự đi sơ tán, đến năm 1948, tôi gọi về huyện và giao nhiệm vụ làm giáo viên bình dân học vụ dạy cho bà con làm chài lưới ở Quí Cao. Năm 1949 tôi điều anh Cự về làm văn phòng cho huyện hội Liên Việt và kết nạp Đảng lần thứ 2 cho anh. Sau này tôi chứng thực cho anh được công nhận là Lão thành cách mạng.

Trận chiến đầu tiên, cũng là trận giặc Pháp chiếm đóng ga Lai Khê kéo dài suốt 8 năm cho đến tháng 12-1954, chúng phải rút khỏi ga Lai Khê theo Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Từ đây bắt đầu cuộc trường kì kháng chiến trên đất Kim Thành - Hải Dương và cả nước chống đế quốc Pháp xâm lược lần thứ hai nước ta. Tôi là Bí thư chi bộ xã Cộng Hòa, lại được huyện uỷ Kim Thành giao phụ trách cả 4 xã thuộc tổng Lai Vu cũ là: Cộng Hòa, Lai Vu, Cổ Dũng, Thượng Vũ. Trong lúc này chiến tranh đã bước vào giai đoạn rất ác liệt và chiến tranh du kích bắt đầu. Tôi động viên các hội viên, các đoàn thề phụ lão, thanh niên, phụ nữ và chính quyền các xã hướng dẫn bà con đi sơ tán, vận chuyển hết thóc gạo sang vùng hậu phương, thực hiện “vườn không nhà trống” kháng chiến lâu dài. Tôi cũng phân công các đồng chí phụ trách các đoàn thể và chính quyền các xã ổn định lòng dân, tổ chức sinh hoạt các nhóm gia đình sơ tán để thông báo tình hình địch chiếm đóng quê hương, những hành động dã man của chúng và tin chiến thắng của quân đội ta. Mặt khác tôi cùng với một số cán bộ Công an, quân sự do huyện tăng cường cho khu vực tôi phụ trách, như đồng chí Vấn, đồng chí Phạm Thiệp công an, đồng chí Tiến Minh, đồng chí Đại tình báo, đồng chí Tư Nghiễn quân sự... hợp thành lực lượng tổng hợp, làm đủ mọi việc, từ điều tra theo rõi địch, nắm quần chúng nơi sơ tán, rải truyền đơn địch vận. Cùng với quần chúng đêm đêm về làng, chúng tôi cắt cử các đồng chí về theo, phối hợp với du kích quấy rối địch, làm cho chúng ăn không ngon ngủ không yên. Có khi chúng tôi cử 1 -2 du kích đến bốt Lai Khê hoặc Phạm Xá bắn 1, 2 phát súng quấy rối địch, khiến chúng phải bắn suốt đêm, hết hàng thúng đạn... Sau khi quấy rối địch, chúng tôi bơi qua sông về đất Thanh Hà, quần áo ướt sũng, trời rét nhưng mọi người rất thích thú, nằm nghe địch bắn hàng giờ rồi mới về nơi ăn nghỉ.

Đông xuân năm 1946-1947 trời rét rất đậm, gia đình tôi sơ tán sang xã Cẩm Chế - Thanh Hà trong điều kiện rất khó khăn. Bố tôi lúc đó bị thương ở chân do nhiễm trùng, rụng mất bốn ngón bên trái, nước vàng suốt ngày chảy ra, đi đâu cũng phải khiêng cáng. Hai em gái tôi còn nhỏ chưa biết làm gì, anh ruột thì cháu bé bị ốm nặng, hai vợ chồng chỉ biết trông con. Tôi một mình vừa lo việc chiến đấu, vận động nhân dân, ban đêm phải về nhà lấy thóc tiếp tế cho gia đình, hết sức vất vả. Với một con thuyền nan nhỏ, mỗi khi qua nhà tôi xúc một ít thóc chở sang Thanh Hà. Tôi nhiều lần định chở theo con chó “xồm” vàng rất khôn, nhưng nó không chịu theo tôi, cứ đến bến sông Tường sang Thanh Hà là nó nhảy lên bờ. Ngồi trông tôi chở thuyền qua sông, nó khóc. Khi tôi sang bên bờ bên kia nó mới lững thững quay về nhà. Nó bị đói, nên tối đến, nó đón tôi để được ăn cơm, nhưng bắt nó đi theo, nó giãy giụa, cắn lung lung, quay về nhà. Được khoảng 2 tuần không thấy nó đâu nữa. Có lẽ nó bị chết đói hoặc có người bắt rồi.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhà nuôi được 3 con lợn, ủng hộ bộ đội 1 con, còn 2 con tôi chở sang thôn Tiền Tảo, Thanh Hà. Chưa tới nhà đã bị bà Giũi đòi lấy một con to. Vì hôm chiến đấu, anh em dân quân tự vệ có đến nhà bà Giũi vận động ủng hộ một con lợn để làm thức ăn cho dân quân chiến đấu 2 đêm liền ở cầu Lai Vu, bà Giũi đã sẵn sàng ủng hộ. Nhưng khi thấy tôi chở lợn sang, bà đòi lại. Tôi trả ngay con lợn to, không nói một câu, nhưng cũng tiếc công chở lợn sang Thanh Hà, vất vả, đêm tối mà chẳng được gì, nhà lại đang lâm vào cảnh túng thiếu, bố ốm không có tiền mua thuốc. Nhà bà Giũi lúc đó lại khá giả hơn nhà tôi nhiều. Sau này tôi vẫn chứng thực cho gia đình bà Giũi là địa chủ kháng chiến, không hề nhắc lại chuyện cũ.

Tháng 3, tháng 4-1947, dân đi tản cư cũng đã cạn kiệt lương thực, lúa chiêm bà con tranh thủ về cấy ban đêm cũng sắp được thu hoạch, nên trên chủ trương cho dân về hồi cư, bám đất để kháng chiến lâu dài. Được lệnh, tôi huy động các đoàn thể theo dân cùng hồi cư, để tổ chức hướng dẫn làm ăn cho nhân dân, đồng thời xây dựng lực lượng vũ trang, đấu tranh với địch ngay trên đất tạm chiếm. Một vấn đề lớn được đặt ra lúc đó cho Đảng và chính quyền phải xử lí là địch bắt dân theo chúng, lập chính quyền bù nhìn (ta gọi cái tên lúc đó là “hội tề”), cũng có đủ: lí trưởng, chánh tổng, tiên thứ chỉ như trước cách mạng tháng 8-1945.

Được trên cho phép, ta cho người của ta lập “tề”, nhưng ta phải nắm chắc những người này, bề ngoài làm cho địch, nhưng là người của ta đưa vào. Trong khi ta chưa kịp đưa người của ta, một số nơi địch đã đưa người của chúng ra lập “tề”, rất phản động, gây khó khăn cho ta. Mặc dù ta đã cử người đến thuyết phục họ, nhưng họ cố tình theo địch, buộc ta phải xử lí như lí trưởng Tường Vu và Cổ Dũng, chánh tổng Cam Lâm. Đến cuối năm 1947 tất cả các xã dọc đường 5 (17 km thuộc đất Kim Thành) bề ngoài là “tề” của địch nhưng bên trong ta nắm được toàn bộ. Chỉ có một thôn An Bình (làng Vừng) do một đơn vị quân sự của huyện về phá “tề”, bị bọn phản động chống lại quyết liệt, có một số dân theo chúng, nên đồng chí chỉ huy đơn vị xử lí không đúng, đã đốt một số nhà ở thôn An Bình. Địch kích động dân rào làng chống lại ta. Đến 1954, một số dân thôn này di cư vào Nam. Ở một vài nơi khác có người vừa làm cho ta, vừa làm tay sai cho địch, ta đã gọi ra hậu phương cảnh cáo, như Lí Kỉ thôn Thắng Yên, phó tổng Phu, tổng Lai Vu. Sau đó những người này không dám làm việc hai mang nữa, đến khi ta có lệnh giải tán các loại “hội tề” thì những người này bỏ chạy vào Hải Phòng, nhưng không làm gì có hại cho ta.

Cuối năm 1947 cơ sở ta đã mạnh lên, các đoàn thể được tổ chức lại, các chi bộ đảng được xây dựng, tôi được đề bạt tham gia huyện uỷ Kim Thành và được giao phụ trách các xã thuộc 2 tổng Lai Vu và Cam Lâm gồm: Cộng Hòa, Cổ Dũng, Lai Vu, Thượng Vũ, Lâm Xá, Tuấn Hưng, Việt Hưng, Lâm Thái. Riêng xã Cổ Dũng chưa đủ đảng viên lập chi bộ nên tôi kiêm Bí thư chi bộ xã này và là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã.

Tháng 12-1947 các “hội tề” đều phá hết, dù là “tề” do người của ta đưa vào làm, chỉ còn chính quyền ta công khai với dân, nhưng bí mật với địch. Hai bốt “dõng” ở Cổ Dũng và Tường Vu ta cũng phá luôn, thu được 13 khẩu súng trường Mỹ (Cổ Dũng 8 khẩu, Tường Vu 5 khẩu). Khu vực tôi phụ trách được đón phái đoàn của Chính phủ, do đồng chí Trần Cung, đặc phái viên của Chính phủ làm trưởng đoàn, đồng chí Đặng Tính, Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương về thăm, nói chuyện với đồng bào xã Cộng Hòa, tại thôn Tường Vu (nhà ông Bích xóm Trại). Phái đoàn đã biểu dương và khen ngợi tinh thần yêu nước của nhân dân xã Cộng Hòa và toàn huyện Kim Thành. (Phái đoàn Chính phủ do Bộ trưởng Hoàng Minh Giám làm Trưởng đoàn, nhưng đến huyện Thanh Hà, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám bị mệt không vào đất tạm chiếm được, đồng chí Trần Cung thay).

Mặc dù địch đóng bốt rất dày, riêng xã Cộng hòa có tới 4 bốt, sau này lên đến 6 bốt, nhưng địch cũng không lập được “tề”. Đôi khi địch o ép quá, ta phải đưa ra một vài người rất ngớ ngẩn, không biết chữ, làm đại diện cho chúng, như ông Thoại thôn Tường Vu. Địch buộc phải chấp nhận. Công tác địch vận chống bắt phu, bắt lính, chống thu thuế rất có kết quả. Tất cả thanh niên đến tuổi đều ra hậu phương đi tòng quân, tham gia bộ đội huyện, tỉnh, chủ lực, còn lại làm dân quân du kích, kết hợp với lực lượng vũ trang huyện phá “tề”, trừ gian. Sau này nhiều xã đội đã chủ động đánh địch.

Lúc này huyện uỷ Kim Thành quyết định thành lập 3 khu, gọi là 3 đồn: Đồn 8 gồm các xã thuộc đường 5 của hai tổng Lai Vu và Cam Lâm, do tôi phụ trách: Lai Vu, Cộng Hòa, Cổ Dũng, Thượng Vũ, Lâm Xá, Lâm Thái, Tuấn Hưng, Việt Hưng. Đồn 5 gồm các xã đường 5 còn lại là: Song Thái, Vạn Tân và các xã lân cận là Kim Quang, Ngũ Phúc, Vạn Thọ, Hưng Đạo, Tân Dân (thuộc 2 tổng Bất Nạo và Phú Tải) do đồng chí Hoàng Hồi phụ trách.

Đồn 9 có các xã thuộc 2 tổng Phí Gia và Nại Xuyên gồm: xã Bình Dân, Cẩm La, Tam Kì, Đại Đức, Hoàng Xá, Liên Hòa do đồng chí Phiên (Bách) phụ trách.

Sau khi xây dựng củng cố đồn 8, tôi chuyển xuống phụ trách đồn 5, như vậy là tôi đã phụ trách tất cả các xã dọc theo đường 5 dài 17km.

Trong thời gian công tác ở hai đồn 8 và 5, tôi hoạt động cùng các cán bộ thuộc hai đồn đều còn rất trẻ, rất xông xáo và hăng say công tác như đồng chí: Lê Công Thiện, Nguyễn Tiến Long, Nguyễn Văn Ngoạn, Nguyễn Văn Sanh, Phạm Văn Bổn, Văn Tuấn, Nguyễn Văn Khoái, đồng chí Khoa, đồng chí Cung (tức Cường), đồng chí Thủ. Cán bộ quân sự có đồng chí Phí Văn Tư (Tư Nghiễn), đồng chí Hoàng Văn Bút, đồng chí Nghê, đồng chí Thịnh (Đen). Cán bộ phụ nữ có: cô Cúc, cô Xuân, cô Dung. Cán bộ công an có đồng chí Phạm Thiệp, đồng chí Vấn. Cán bộ tình báo trung đoàn 42: đồng chí Minh Tiến, đồng chí Đại... tất cả đều là những đồng chí hăng say công tác, sẵn sàng xông vào đất địch, không sợ gian lao nguy hiểm...

Cuộc sống của chúng tôi vừa giản dị vừa đầm ấm. Suốt đêm đi hoạt động trong đất địch, ngủ bờ ngủ bụi, cơm ăn nhiều lúc không đủ no, quần áo nhiều lúc chỉ có bộ rưỡi, nhưng lúc nào chúng tôi cũng vui như ngày hội. Các cụ xưa thường khen các bậc chí sĩ yêu nước, những gương anh hùng coi cái chết “nhẹ như lông hồng”, còn chúng tôi lúc đó hình như ít ai nghĩ đến cái chết, bao giờ nó đến với mình cũng được, nó nặng hay nhẹ hơn lông hồng cũng chẳng ai biết, cứ được giao việc là đi làm, không thấy ai từ chối bao giờ!

Tôi lúc đó còn rất trẻ, hiền lành, nhưng bảo anh em cái gì họ cũng làm răm rắp, chẳng bao giờ phải ra mệnh lệnh. Chúng tôi đi vũ trang tuyền truyền, đi phá “tề” trừ gian, có lúc tôi và đồng chí Vấn công an ăn ngủ tại nhà ông Đội Sử làm chánh tổng “Tề” Lai Vu, nhà sát bốt Tuần Mây gần 200m, hoặc ngủ lại bốt “Dõng” ở Đình Vuông xã Cổ Dũng. Những người lính bề ngoài của địch, bên trong là người của ta đã bảo vệ chúng tôi. Trong lúc đang chiến đấu cùng nhau, có những đồng chí đã hy sinh trước mũi súng quân thù như đồng chí Quý, Bí thư thanh niên huyện Kim Thành; đồng chí Ngoạn, hy sinh khi làm chính trị viên huyện đội Kim Thành; cô Dung bị địch giết rất dã man; đồng chí Tiến Long bị bắt và hy sinh khi vượt Côn Đảo; đồng chí Cọ, đồng chí Kiêm bị bắt mất tích... Nhưng cũng có đồng chí nửa đường nhỡ bước sa cơ, bị địch bắt, không chịu được tra tấn đã đầu hàng địch (anh Hanh - tức Ngải thôn Đính Giàng, xã Đại Đức).

Người tiêu biểu mẫu mực cho các thời kì hoạt động ở Kim Thành, cùng trong cấp uỷ với tôi, là Bí thư Huyện uỷ Lê Ràm. Tên thật anh là Nguyễn Thượng Trình. Khi làm báo Quân đội, anh lấy thêm tên Vũ Chính. Nhưng cái tên Lê Ràm thì đến hôm nay anh cũng vẫn thích dùng. Duyên do anh Trình đặt tên ấy có ý nhắc nhở đồng chí Huyện uỷ viên, Trưởng ban Tuyên huấn Huyện uỷ, lúc đó không chịu vào đất tạm chiếm hoạt động, chỉ ở vùng tự do huyện Tứ Kì, tối về cầu Ràm, huyện Ninh Giang, nơi vợ bán hàng tại đó. Anh Trình lấy tên Lê Ràm không những ám chỉ đồng chí này chỉ “lê” ở cầu “Ràm”, đồng thời cũng phê bình chung một số cán bộ Kim Thành hay ở lâu vùng tự do (nay anh Trình đã 86 tuổi, là Đại tá về hưu, viết thư cho tôi bao giờ cũng kí: Lê Ràm).

Anh Lê Ràm luôn luôn bám sát đất tạm chiếm để đánh địch, giản dị, không có quá 2 bộ quần áo nâu và cái khăn vuông đen để gói quần áo đeo vào vai, tối làm chăn che bụng, lúc đó gọi vui là: “Khăn gói quả mướp”. Tôi nhớ Tết âm lịch năm 1947- 1948, mồng một Tết tôi vừa ăn Tết với nhân dân trong vùng địch tạm chiếm, sáng mồng 2 tôi đi một mạch qua huyện Thanh Hà sang Nhân Lí huyện Tứ Kì thăm chúc tết Bí thư Huyện uỷ. Đi 5, 6 tiếng đồng hồ, đường mưa lầy lội đến văn phòng huyện uỷ, bụng mẩm chắc Bí thư Huyện uỷ sẽ chiêu đãi Tết. Nhưng đến văn phòng ở một nhà dân thì được ông chủ nhà cho biết Bí thư đi công tác từ tối 30 tết. Chúng tôi ngồi đợi một lúc mới thấy Bí thư Lê Ràm về, cùng với chú Hải (Mão) văn phòng Huyện uỷ. Hỏi ra được biết đêm 30 Tết Bí thư Lê Ràm ra chùa ngủ nhờ, sợ ngủ ở nhà “giông” cho gia chủ. Ngày mồng một Tết Bí thư Cộng sản ăn nhờ lộc Phật ở chùa và mồng hai Tết mới về làm việc. Anh em gặp nhau kể lại chuyện Tết trong đất “tề”, coi như là báo cáo với Bí thư Huyện uỷ. Trưa hôm đó ăn hơi muộn, ông bà chủ hồ hởi tổ chức bữa cơm Tết, tuy muộn mằn cho chúng tôi, nhưng rất thịnh soạn...

Năm 1948, mở đầu cuộc đấu tranh chính trị lớn nhất ở các xã đường số 5 là cuộc đấu tranh chống thu thuế vụ hè của địch. Ta đã phá hết “tề” các loại, địch tổ chức vào thu thuế, ta đánh mìn chặn đường chúng. Tiêu biểu là 2 trận đánh mìn ở xóm Gốc Me 17-8- 1948 và xóm Đình, cổng nhà ông Tú ngày 23-8-1948 thôn Tường Vu, xã Cộng Hòa. Ta giết hàng chục tên địch đến cướp thóc của dân, sau khi chúng đi càn ở Thanh Hà về qua thôn Tường Vu. Địch trả thù hèn hạ bằng cách đốt sạch thôn Tường Vu. Đối với các gia đình thôn Lai Khê về phía Nam đường số 5, chúng bắt 22 người dân xếp hàng tập trung rồi xả súng bắn chết hàng loạt. Chỉ còn một người sống sót là ông Đoàn Hữu Nhung. Khi chúng sắp bắn ông đã lăn ra, chúng cho là chết rồi nên thoát chết. Tàn bạo hơn nữa, chúng thiêu sống ông Đỗ Văn Hứa ngay tại nhà ông. Ngày này đã thành ngày giỗ Trận ở xã Cộng Hòa.

Song song với 17km đường số 5 trên đất Kim Thành là đường tàu hoả, con đường huyết mạch của địch vận tải binh lính, vũ khí, lương thực từ chính quốc và miền Nam ra, cung cấp cho Hà Nội cùng chiến trường Bắc bộ. Đây thực sự là con đường chiến lược của thực dân Pháp đối với chiến trường Bắc Đông Dương bao gồm cả Thượng Lào.

Được chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh và tỉnh uỷ Hải Dương, Huyện uỷ Kim Thành chỉ đạo huyện đội (có một trung đội do người trung đội trưởng nổi tiếng là đồng chí Tăng Bá Liệp chỉ huy) cùng với lực lượng dân quân du kích các xã luôn nắm sát tuyến đường số 5 và đường sắt thuộc Kim Thành, để tổ chức đánh mìn, phá đường tàu hoả, phá kế hoạch vận tải của địch. Tôi cùng các đồng chí cán bộ quân sự, công an, tình báo, cán bộ phụ trách xã, tiểu khu... luôn luôn nắm sát tình hình địch vận chuyển đi lại trên đường 5, đường sắt, tìm những điểm yếu của địch, kết hợp với tin từ cơ sở tình báo Hải Phòng để biết những chuyến tàu vận tải binh lính, vũ khí, lương thực, đánh cho trúng. Vì năm 1948 ta cũng đã đánh nhầm một đoàn tàu chợ, tuy phá tan được đầu tàu, đổ mấy toa, một số dân thường bị thương vong, từ đó chúng tôi kết hợp chặt chẽ với tình báo Hải Phòng đồng thời quan sát kỹ mỗi chuyến tàu rồi mới cho bấm mìn nổ. Năm 1947 ta chưa biết cách sử dụng pin (điện) để nổ mìn, phải dùng sức người kéo dây giật cho mìn nổ, nên thường không chính xác trúng đầu tàu, hơn nữa sau khi mìn nổ rút lui khó khăn, vì đông người địch dễ phát hiện.

Từ năm 1948 ta dùng pin (điện) nối vào đầu dây dẫn đến kíp mìn, nên độ chính xác rất cao và điều kiện giữ bí mật cũng tốt hơn, vị trí ngồi bấm nút cũng xa mìn hơn. Kéo dây giật phải ngồi gần, đông người mới kéo nổi giây cho mìn nổ (thường từ 3 người trở lên), còn bấm điện chỉ cần 2 người là đủ.

Nhưng đánh mìn bằng bấm điện cũng có cái phức tạp. Phải thử mìn trước khi đánh, phải cho điện chạy qua quả mìn, qua bóng điện, đèn sáng mới là mìn tốt. Có lần thử bóng đèn hỏng, khi bấm điện mìn nổ luôn, ba đồng chí bộ đội huyện bị hy sinh. Chỉ tìm thấy được vài cánh tay bay xa hàng trăm mét. Cả ba gian nhà của cụ Cựu Càng thôn Du La, xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, Hải Dương và cót thóc đầy bay hết, nhưng không thiệt hại về người, vì mỗi khi thử mìn như vậy, anh em bộ đội Kim Thành nói với gia đình đi ra ngoài, tránh bất trắc xảy ra (gia đình cụ Cựu Càng là gia đình cách mạng, cụ và các con như anh Quản, chị Ngân, anh Kiên... đều là cán bộ cách mạng, là những người con trung hiếu). Khi sự cố mìn nổ, tôi đến thăm uý lạo anh em bộ đội huyện, thu dọn hậu quả và cảm ơn Cụ... Cụ Cựu Càng nói: “Tôi chỉ thương tiếc các đồng chí hy sinh. Tối hôm qua anh em đi tìm nơi đặt mìn, đặt dây mìn, hôm nay thử mìn để tối đem đi đặt, không may mìn nổ trước. Tôi thương tiếc anh em vô hạn. Còn nhà và thóc của tôi có đáng là bao. Cần hy sinh bao nhiêu nữa, tôi cũng không tiếc. Tôi sẽ làm lại 3 gian nhà và mời anh em bộ đội Kim Thành về ở”. Rồi Cụ khóc... Không đầy một tháng nhà đã dựng xong, anh em lại về nhà Cụ ở, mọi việc lại diễn ra bình thường như không có chuyện gì xảy ra!

Trên đoạn đường 5 (Kim Thành) địch tìm trăm phương ngàn kế, hòng ngăn chặn hoạt động của quân ta. Nhưng chúng đã thất bại! Tháng nào cũng có tàu địch bị mìn ta lật đổ trên đoạn đường này. Do những chiến công vang dội đánh mìn trên đường sắt, đội du kích Kim Thành đã 2 lần được Bác Hồ gửi thư khen và đã xuất hiện nhiều cán bộ chiến sĩ đánh mìn xuất sắc như: “Bộ ba vua mìn Cảnh, Huy, Chính”; nữ du kích Đinh Thị Nhìn, chiến sĩ thi đua toàn quốc Nguyễn Huy Trường, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thòa...

Có đoạn đường sắt từ ga Phạm Xá, đến thôn Phương Duệ (thôn Dòi) - Quỳnh Khê, ta đánh đi đánh lại rất nhiều lần nhưng địch vẫn không sao tránh được! Nhiều trận đánh chúng tôi ngồi tại một nơi kín đáo ở phía bắc đường 5 để xem tàu đổ chỉ cách 200 - 300m. Mỗi chuyến tàu đến, nghe tiếng còi tàu, tim chúng tôi như bắn lên, vừa mong đợi, vừa lo cho anh em, lo mìn không nổ, lo không phải tàu nhà binh... đủ mọi nỗi lo. Rồi lại mím môi chờ đợi, chẳng ai muốn nói với ai chuyện gì, tất cả tập trung vào ý nghĩ mìn nổ trúng đầu tàu vận chuyển quân sự... Đang suy nghĩ miên man thì tàu xình xình sắp qua chỗ đặt mìn. Bỗng một luồng khói lớn trùm hết đoàn tàu. Đầu tàu sững lại. Các toa tàu chùn lại như con sâu róm bị chạm đầu vào lửa hoặc vật gì nguy hiểm đến tính mạng... Đầu tàu đổ xuống, các toa đổ theo. Sau đó chúng tôi mới nghe thấy tiếng mìn nổ inh tai... Mọi người sung sướng... chui xuống hầm đề phòng địch càn cả sang phía bắc đường xe lửa. Sau 2 giờ địch tập trung truy tìm, anh em ở phía Nam kịp thời rút về thôn Thiệu Đáp, rồi bơi qua sông sang thôn Lan Can, xã Hưng Đạo, huyện Thanh Hà. Còn chúng tôi cũng rút về thôn Cam Đông, xã Việt Hưng ăn mừng chiến thắng... Trận nào cũng có cán bộ chỉ huy quan sát ở vị trí phía Bắc đường số 5 để theo dõi đánh giá kết quả trận đánh cho chính xác. Có lần chúng tôi mời cán bộ lãnh đạo huyện, tỉnh về quan sát trực tiếp... Tiếc rằng lúc đó không có máy ảnh ghi hình làm kỉ niệm. Máy quay phim thì không bao giờ dám nghĩ tới và cũng không hình dung quay phim thế nào. Mỗi chúng tôi cũng chỉ được nghe loáng thoáng về xem xi-nê, chứ không ai được nhìn thấy nó!

Ngoài việc đánh mìn, còn có từng đợt phá đường tàu. Như năm 1949, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương chuyển sang thời kì chuẩn bị tổng phản công, có một đêm ta đã dùng pháo mìn, phá hơn 10 km đường ray thuộc đất Kim Thành. Có thể nói đêm đó là ngày hội. Mỗi dân quân du kích được giao 2 quả mìn, phụ trách 50 mét đường ray. Đặt xong pháo mìn, từng đoạn dài 1 km có cán bộ quân sự Huyện phụ trách. Đến giờ phát hoả toàn tuyến bằng một phát pháo hiệu, mìn nổ ầm ầm sáng rực cả bầu trời Kim Thành. Sau trận phá đường, địch phải tập trung sửa hàng tuần, tàu mới chạy qua được đất Kim Thành.

Về việc phá tề trừ gian, hai đồn 8 và 5 làm liên tục, không cho “tề” phản động mọc ra. Muốn vậy trước nhất phải phá tan cái quận “bù nhìn” đóng tại thôn Thanh Liên, do Đặng Thúc Quỳnh làm quận Trưởng. Phạm vi của quận này gồm hầu hết các xã dọc đường 5 thuộc đất Kim Thành và một phần huyện Kinh Môn. Quận có 2 tiểu đội lính Pa-ti-giăng canh gác. Tên Quỳnh thuộc loại có học (tú tài cũ), ta đã vận động bọn lính bảo vệ quận, đồng thời viết thư kêu gọi quận Trưởng Quỳnh, nên y tỏ thái độ trung lập, không dùng bọn “tề” phản động phá cơ sở ta. Những gợi ý của cán bộ địch vận, y đều làm theo như không bắt dân làm thẻ căn cước để kiểm soát, không thu thuế những nơi mất mùa, nơi phải nuôi dưỡng cán bộ nhiều như Tường Vu, Lai Khê... y lờ đi không buộc dân phải đóng thuế. Do công tác địch vận tốt của xã Cộng Hòa y có ý muốn ra với kháng chiến và xã Cộng Hòa đã tổ chức đón y. Nhưng chuyện không thành chỉ vì không thống nhất ám hiệu. Sau y phải tự tìm đường ra với cách mạng. Ngày 11-10- 1948 y đã dẫn binh lính dưới quyền mình ra xã Lâm Xá, đến thôn Bộ Hổ gặp được đồng chí Hoàng Văn Bút, cán bộ quân sự của Đồn 8 đưa toàn bộ quận Trưởng, 1 thư kí, 11 lính cùng võ khí vượt qua đường số 5 sang xã Cổ Dũng, qua đò sang thôn Du La, xã Cẩm Chế, Thanh Hà, được cơ quan huyện Kim Thành và nhân dân sở tại đón tiếp chu đáo. Họ rất phấn khởi. Những người lính đều tham gia vào bộ đội Huyện và Tỉnh. Còn Đặng Thúc Quỳnh được sử dụng ở Ban địch vận tỉnh. Khi địch đánh rộng ra vùng tự do của tỉnh Hải Dương, y lại chạy vào nội thành, nhưng không làm gì có hại cho cách mạng.

Tháng 1-1949 tôi được bầu làm uỷ viên Thường vụ Huyện uỷ, được Huyện uỷ phân công phụ trách tổ chức, phụ trách dân vận, làm chủ nhiệm Huyện bộ Việt Minh. Khi hợp nhất mặt trận Việt Minh vào Mặt trận Liên Việt, tôi làm thư kí mặt trận Liên Việt Huyện, về Đảng phụ trách khối Dân vận và Tổ chức Đảng.

Thời gian này, tuy địch đóng khá dày trên đất Kim Thành nhưng phong trào quần chúng ở các xã đều rộng khắp. Các tổ chức Phụ lão, Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân... hoạt động rất sôi nổi, nhưng chỉ có một thôn An Bình (làng Vừng) là có cơ sở bí mật. Còn ở các xã, tổ chức quần chúng giữ bí mật với địch, công khai với dân. Những tên phản động hoặc những người cầu an đã chạy vào thành phố Hải Phòng. Các phong trào thi đua yêu nước như mua công phiếu kháng chiến, nộp thuế, đi dân công, tuyển quân, huyện Kim Thành đều làm đầy đủ nghĩa vụ do Tỉnh giao.

Phong trào học tập văn hoá, tập diễn văn nghệ rất sôi nổi. Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx ra đời do tôi làm Hội trưởng để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, có đồng chí Phí Văn Tưởng làm cán bộ giúp việc (đồng chí Tưởng mang cái tên “Tưởng - Marx” là vì thế. Sau này đồng chí Tưởng làm Chủ tịch huyện Kim Thành, và làm Chủ nhiệm Công ty Bách hoá Hải Dương). Đặc biệt phong trào luyện quân, xây dựng lực lượng vũ trang rất nổi. Mỗi xã có một Trung đội dân quân du kích, huyện có một đại đội gồm 3 trung đội. Tháng 8-1949 toàn huyện đã tổ chức Đại hội Tập ở huyện Tứ Kì trong 3 ngày liền. Nhân dân toàn huyện tuy bị địch chiếm đóng, nhưng đã kéo ra khu Tự do Tứ Kì hàng vạn người dự Đại hội Tập. Địch biết ta tổ chức Đại hội Tập rất lớn ở vùng Tự do nhưng chúng cũng chẳng dám làm gì. Phong trào quần chúng rất vững. Khi địch đánh chiếm vùng Tự do Từ Kì, Ninh Giang, Thanh Miện... của Hải Dương, cơ quan huyện đã chuyển hẳn về đất Kim Thành. Đầu năm 1950 đã tổ chức Đại hội Đảng ở thôn Cao Ngô, xã Liên Hòa.

Xây dựng gia đình

Đầu năm 1949 tôi đã bước sang tuổi 20. Lúc này các đồng chí trong Huyện uỷ với lứa tuổi như tôi đều đã có gia đình, con cái đề huề, riêng tôi vẫn sống độc thân, lại là uỷ viên Thường vụ phụ trách dân vận. Lệ “tảo hôn” cũng làm tôi phiền lòng. Ban Chấp hành Phụ nữ huyện có nhiều đồng chí chưa lập gia đình, nên các đồng chí cứ gán ghép, giới thiệu với tôi nhiều “cô”. Tôi cũng hiểu Ban Thường vụ rất quan tâm đến việc thành lập gia đình của tôi. Mới 20 tuổi mà mọi người cho rằng tôi đã “ế vợ”, hoặc có bệnh (?) nên mới không lấy vợ. Các cô phụ nữ xã, huyện, đều muốn gán cho tôi cô này, cô khác. Có cô mạnh dạn nói thẳng “muốn làm bạn” với tôi. Cô khác tế nhị hơn chỉ chăm sóc đời sống cho tôi như giặt giũ, vá may quần áo giúp. Tôi đều cảm ơn, tất cả không dám ngỏ lời với bất cứ ai, vì tôi nghĩ mình còn ít tuổi, trong lúc kháng chiến gian khổ, không may bị hy sinh sẽ làm dang dở cho chị em, nên tôi không dám đặt vấn đề xây dựng gia đình...

Khoảng tháng 4-1949, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương dự kiến điều tôi lên làm Trưởng ban chiếm đóng của Tỉnh. Các đồng chí khuyên tôi nên lấy vợ trước khi lên Tỉnh, nhất là những đồng chí thân thiết như đồng chí Lê Công Thiện, Hoàng Hồi, Nguyễn Văn Ngoạn. Đồng chí Thiện lúc đó phụ trách đồn 9, có xã Bình Dân. Đồng chí Hồi người xã Bình Dân giới thiệu cho tôi cô Phí Thị Tâm là Bí thư Phụ nữ xã Bình Dân mới 17 tuổi. Tôi cũng biết sơ qua đồng chí Tâm, vì đồng chí Tâm được kết nạp vào Đảng mới 16 tuổi, mà qui định Điều lệ Đảng lúc đó là 17 tuổi (tính cả tuổi mụ là 18) thì mới được kết nạp vào Đảng. Khi tôi là Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ đã về xã Bình Dân thẩm tra việc kết nạp sai điều lệ về tuổi của đồng chí Phí Thị Tâm. Nhưng sự việc cũng dừng ở đó thôi. Đến khi đồng chí Thiện và Hồi giới thiệu, nhận làm mối cho tôi, tôi cũng rất phân vân. Sau do sự vận động, có lúc như thúc ép, tôi mới nhận lời. Chúng tôi gặp nhau được 3 lần, trao đổi sơ sơ, nhưng Ban Thường vụ Huyện uỷ có ý kiến là tổ chức đám cưới luôn, và chủ động đi bàn bạc với hai gia đình chúng tôi. Hai gia đình cũng đồng ý.

Thế là đến ngày 13-6-1949 đám cưới của chúng tôi được tổ chức theo hình thức “đời sống mới” ở thôn Phù Tinh thuộc khu Hà Đông, huyện Thanh Hà. Ngày tổ chức lễ thành hôn do Huyện và hai xã Cộng Hòa, Bình Dân đứng ra tổ chức rất đông vui. Tiệc cưới có bánh kẹo, đặc biệt là có xôi vò, chè đường, do hai xã tặng cô dâu chú rể. Hôm đó tôi bận họp Thường vụ, việc tổ chức là nhờ vào huyện, xã, cô Tâm với gia đình lo liệu. Cô Tâm mới 17 tuổi nhưng đã quán xuyến một phần công việc ngày hôm đó. Đúng 5 giờ chiều, họp xong Ban Thường vụ Huyện uỷ, chúng tôi cùng về một lúc. Đến Phù Tinh, tôi mới mượn được chiếc áo sơmi trắng của anh Hồng Long và cái quần ka ki của anh Ngoạn để mặc về làm lễ thành hôn. Tôi thay bộ quần áo nâu đưa cho nhà tôi gói cất đi. Cô dâu cũng giở gói tư trang đưa cho tôi đôi dép cao su trắng hiệu “con hổ”. Lần đầu tiên tôi được đi đôi dép cao su trắng, do vợ mua cho, tôi rất cảm động...

Hình như tôi có duyên với đồng chí Lê Ràm. Trong dịp này đồng chí Lê Ràm công tác ở Ban chiếm đóng Liên khu III về công tác ở Kim Thành. Tôi mời đồng chí đến dự, đồng chí đã làm bài hát và tự hát trong buổi lễ thành hôn của chúng tôi. Tôi chỉ còn nhớ có một câu... “Cả huyện đi ăn cưới đôi Thành - Tâm”...

Oái oăm và đáng buồn cho chúng tôi! Đúng 9 giờ tối, mọi người đang thu xếp dọn dẹp, nhất là gia đình cụ Hương Hòi thôn Phù Tinh suốt cả ngày lo lắng nấu nướng giúp đỡ, nhà sư chùa Phù Tinh tạo mọi điều kiện tốt nhất cho lễ thành hôn của chúng tôi, tất cả còn đang bận rộn dọn dẹp thì có tin địch sẽ tiến công vào khu Hà Đồng sáng sớm ngày hôm sau. Như vậy là cơ quan huyện Kim Thành đóng tại Hà Đông, ngay đêm 13- 6-1949 phải chuyển hết sang Tứ Kì. Gia đình hai họ phải trở về Kim Thành ngay đêm đó. Thật là không ngờ ngày vui lại vất vả đến thế

Mọi việc chuẩn bị cho đêm tân hôn không còn nữa vì 12 giờ đêm thu xếp xong công việc, hai vợ chồng đi bộ đến sáng ngày 14- 6-1949 mới đến làng Mép -Tứ Kì, nơi gia đình tôi sơ tán.

Ngày hôm sau địch không đánh lên khu Hà Đồng, đó chỉ là tin dự báo thôi. Còn tôi lại phải đi họp ở tỉnh rồi về họp ở huyện. Thực sự đêm tân hôn của chúng tôi phải sau 17 ngày nữa mới được “chính thức hoá”. Nói chuyện này nhiều đồng chí của tôi vừa buồn cười, vừa không tin, nhưng sự thật là thế.

Sau này thỉnh thoảng tôi hay nói vui với nhà tôi, nhất là sau khi từ “Ăng ca” ở Campuchia du nhập sang, tôi bảo đám cưới chúng mình do “Ăng ca” cưới cho đấy? Vợ chồng cùng cười... Nhưng “Ăng ca” Việt Nam khác “Ăng ca” Campuchia.

Đồng chí Phí Thị Tâm khi còn trẻ là cô gái xinh đẹp nhất nhì trong huyện. Về phẩm chất đạo đức phải nói là hiếm có, giỏi việc nước, đảm việc nhà. Sáu năm tôi đi tù và công tác xa, đồng chí giữ chữ hiếu với cha mẹ hai bên, giữ trọn nghĩa tình với chồng, làm trọn nhiệm vụ với Đảng và nhân dân giao cho, trông nom con cái chu đáo. Sau 8 năm chúng tôi cưới nhau mới sinh cháu đầu là Đoàn Duy Linh năm 1957 và tiếp 3 cháu nữa. Liền trong 4 năm 11 tháng chúng tôi đã sinh 4 cháu trai, trong lúc kinh tế cực kì khó khăn. Vợ tôi vẫn đi làm và chăm nuôi con, giúp đỡ chồng rất chu đáo, dạy bảo con cái đến nơi đến chốn, cho tới ngày các cháu trưởng thành. Đồng chí Nguyễn Thị Định, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữa Việt Nam đã đến tận nhà tôi để gắn Huy chương vì Sự nghiệp giải phóng Phụ nữ cho cả hai vợ chồng tôi.

Đồng chí Tâm xuất thân từ gia đình nhà nho nghèo yêu nước. Ông nội là cụ Thương Quê, còn gọi là quan Thương, đỗ tú tài làm Thương tá Hải Dương, cùng với Cao Bá Quát chống vua Tự Đức. Cụ bị xử tử hình, chôn nửa người, sau một tuần mới mất. Do những người lính canh tử tế, đêm đem nước cháo cho cụ uống, nên mới sống được 7 ngày. Gia đình sợ hãi phải chạy xuống xóm “Lau” xã Đại Đức, Kim Thành lánh nạn. Gia đình trở nên nghèo khổ. Khi cải cách ruộng đất được qui thành phần cố nông. Tuy nhà nghèo, đến Cách mạng tháng 8-1945 mới được đi học, nhưng đồng chí Phí Thị Tâm chăm học, có di truyền thông minh, nên học giỏi, tiếp thu rất nhanh, khi đi làm cách mạng từng bước được học tập, đào tạo nên công việc phụ trách đều làm tốt. Họ Phí thôn Quê Phương, xã Bình Dân, Kim Thành có truyền thống nho học, thông minh nên địa phương có câu: “Văn chương họ Phí, lí sự họ Bùi...” vì thời kì đó cả huyện Kim Thành chỉ có hai người đỗ Tú tài thì đều người họ Phí cả.

Đầu năm 1950, giặc Pháp đánh chiếm vùng Tự do của tỉnh. Để chia lửa với hậu phương, phân tán lực lượng địch, huyện uỷ phân công 3 đồng chí uỷ viên Thường vụ Huyện uỷ về 3 đồn vận động quần chúng đánh địch. Mỗi đồn phải tổ chức một trận đánh tiêu biểu. Tôi được phân công về đồn 8, đồng chí Hoàng Hồi về đồn 5, đồng chí Vũ Viết Thưởng huyện đội trưởng về đồn 9. Huyện Kim Thành lúc đó đóng ở thôn Bàu và thôn Bửa thuộc khu Hà Đông, huyện Thanh Hà. Tôi về đồn 8, xã Cộng Hòa là nơi có lực lượng vũ trang mạnh, có đồng chí Bí thư chi bộ xã, Chủ tịch xã, xã đội trưởng, Thường vụ rất năng nổ, chiến đấu dũng cảm như đồng chí: Vượng, Văn, Cao, Quang, Đắn, Hoàn, Vanh. Đồng chí Huyện uỷ viên phụ trách đồn là Nguyễn Tiến Long rất hăng say đánh giặc...

Tôi cùng các đồng chí nghiên cứu đánh một trận mở đầu ở đồn Lai Khê, nơi địch tập trung mạnh nhất huyện. Nếu ta đánh thắng sẽ có tiếng vang cho toàn huyện. Nắm được qui luật đi lấy nước ngọt của địch ở giếng thôn Thanh Liên, tôi chọn cách đánh “độn thổ”, giáp vị trí quận, để gây bất ngờ cho địch. Chúng tôi đào 8 hố giấu kín 8 du kích đã được thực tập gần một tháng ở Bến Tắm huyện Chí Linh, khu căn cứ kháng chiến. Trên nắp hố và chung quanh được hoá trang rất cẩn thận. Những người đi đào hố đều lấy du kích thôn Tường Vu, khi đào xong trở về đều tập trung ở xóm Trại thôn Tường Vu, chờ đến khi trận đánh kết thúc mới được về nhà để bảo đảm tuyệt đối bí mật cho trận đánh.

Chiều ngày hôm trước 4-3-1950 có cuộc họp để phân công chỉ huy trận đánh tại nhà anh Chuẩn xóm Trại thôn Tường Vu. Đồng chí Đào Quang Đắn (tức Tuyên) xã Đội trưởng xã Cộng Hòa đã cùng anh em đi tập luyện ở Bến Tắm, Chí Linh, đề nghị xin cử đồng chí khác làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Tuyên chỉ nhận làm chỉ huy phó. Qua trao đổi một lát với các đồng chí lãnh đạo xã, tôi quyết định cử đồng chí Đào Quang Vượng, phó Bí thư chi bộ, chính trị viên xã đội, con người dũng cảm mưu trí và đã chỉ huy trực tiếp hai trận đánh mìn ở xóm gốc Me và Xóm Đình năm 1948, là người đã theo sát tình hình diễn biến hàng ngày địch đi lấy nước ngọt ở giếng Thanh Liên, làm chỉ huy trưởng trận đánh quan trọng này. Mọi người đều nhất trí. Hai đồng chí Vượng và Tuyên cùng 8 du kích hứa quyết tâm làm trọn nhiệm vụ được giao. Tôi còn trao đổi kỹ với hai đồng chí chỉ huy trưởng và chỉ huy phó về một số tình huống bất trắc có thể xảy ra. Sau đó tôi cho các đồng chí ăn nghỉ, đến 10 giờ đêm ra trận địa để nhận địa hình, nơi mình sẽ phải nằm dưới hố khoảng 10 giờ để chờ địch. Tôi biết đó là những giờ phút rất căng thẳng, nhất là những anh em nằm dưới hố. Tuy tất cả là người địa phương rất quen biết địa hình, đã đi xem xét và thực tập nhiều lần, nhưng anh em vẫn có nhiều lo lắng. Giả dụ xe tô đè lên miệng hố, thì có quyền xông lên đánh địch không? Ngồi lâu dưới đất khi lên có thể bị chuột rút bị mắt quáng gà? nước uống cho anh em? nếu địch không đến, hoặc bị lộ...? Tất cả mọi tình huống đặt ra đều được giải đáp chu đáo.

Ngày 5-3-1950 vào hồi 8h30 một xe chở nước (Citerne) cùng hai tên lính da đen trên một xe Jeep, cùng đi với 4 người tù chúng bắt đi vác vòi bơm. Hai đồng chí chỉ huy rất lo. Khi đến bờ giếng chúng dừng xe, đi quan sát rất kỹ, đi đi lại lại mà không cho vòi xuống bơm nước. Các đồng chí đã nghĩ đến chuyện bị lộ, nhưng đồng chí Vượng nói cứ bình tĩnh, theo rõi sát mấy thằng lính... Có lúc tên lính đến rất gần chỗ chỉ huy của hai đồng chí, nhưng các đồng chí vẫn giữ yên lặng theo rõi. Sau khoảng 15-20 phút rất căng thẳng, 2 tên lính da đen quay về xe lấy nước, bắt tù vác vòi xuống giếng. Máy bơm nổ thì lúc đó đồng chí Vượng phát hoả, hô “xung phong”. Tám chiến sĩ du kích gan vàng, dạ sắt, đã đồng loạt đội nắp hố cá nhân xông lên đánh địch. Do bị đánh bất ngờ, địch vô cùng hoảng sợ. Ta bắt sống hai lính da đen, tước súng và tha ngay 2 tên này, giải thoát 4 tù chính trị địch bắt đi lấy nước. Đây là trận đánh “độn thổ” đầu tiên của huyện Kim Thành, là trận đánh sâu trong lòng địch, làm cho chúng hoang mang lo sợ. Chúng cho là bộ đội chủ lực đã vào sâu trong đất tạm chiếm của chúng, chỉ có bộ đội chủ lực mới dám đánh “độn thổ” như thế. Chúng sợ bị phục kích, không dám tung quân ra truy kích lực lượng ta, dù bốt quận cách trận địa 100 mét, cách Tiểu khu quân sự Lai Khê 400m. Mãi đến chiều 5-3-1950 sau khi tung quân thăm dò các ngả đường vào giếng Thanh Liên, chúng cho là an toàn, đến 4 giờ chiều chúng mới dám đến nơi trận chiến xảy ra. Còn lực lượng ta đã được chuẩn bị chu đáo rút về xã Thượng Vũ an toàn. Ngay trưa hôm đó, tôi chỉ thị cho anh em hoá trang là phụ nữ, súng tháo ra làm ba, bỏ vào quang gánh, 12 giờ trưa vượt đường 5, đóng giả là người đi chợ vượt đường 5, đường sắt, về qua xã Cổ Dũng rồi về thôn Tường Vu, Xóm Trại. Tối hôm đó tổ chức liên hoan mừng chiến thắng, nhưng rất bí mật và gọn nhẹ. Sau đó tôi cử hai đồng chí du kích xã là Đoàn Hữu Cự và Lưu Văn Thơ cùng đồng chí xã đội trưởng mang 2 súng trường Mỹ - chiến lợi phẩm, nộp cho huyện đội Kim Thành và lĩnh thưởng mỗi khẩu 500 đồng tiền cụ Hồ.

Trong đêm hôm đó, tôi cũng vượt qua đường số 5, đường sắt, xuống thôn Cam Đông, xã Việt Hưng thuộc đồn 8 và các xã khác để tuyên truyền chiến thắng, và phân tích âm mưu của địch đánh rộng ra vùng tự do của tỉnh Hải Dương. Các chiến sĩ gan vàng, dạ sắt của xã tôi gồm 10 người (2 chỉ huy, 8 du kích) đến hôm nay chỉ còn 5 đồng chí. Hai đồng chí chỉ huy là Vượng và Tuyên đã về hưu, đang sinh sống ở xã Cộng Hòa.

Đồng chí Vượng không may bị mù cả hai mắt. Tám du kích, nay còn 3 đồng chí là: đồng chí Ngách, đồng chí Nàng, đồng chí Thành đang sinh sống ở xã Cộng Hòa. Ba đồng chí này là người của 3 thôn: Đồng chí Ngách thôn Tường Vu, đồng chí Năng thôn Lai Khê, đồng chí Thành thôn Thanh Liên. Thật là sự ngẫu nhiên thú vị, mỗi thôn còn một đồng chí làm nhân chứng lịch sử. Còn 5 đồng chí khác do tuổi già sức yếu đã qua đời.

Đây là trận chiến đấu lần cuối trong đời hoạt động của tôi ở Kim Thành, Hải Dương trước khi chuyển sang hoạt động ở một môi trường mới, phức tạp và gian khổ hơn - Thành phố Hải Phòng.

Kết thúc giai đoạn công tác ở Hải Dương, nơi chôn rau cắt rốn của tôi và tôi đã trưởng thành từ đấy bằng những công việc thiết thực cụ thể để xứng đáng với Hải Dương quê hương có đường 5 “Anh dũng kiên cường” yêu quí, với xã Cộng Hòa anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời chiến tranh chống thực dân xâm lược Pháp, xứng đáng với Thành phố Hải Phòng “Trung dũng quyết thắng” thân thương, là nơi “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” rất khốc liệt, mặt đối mặt với quân thù, nơi cái sống và cái chết diễn ra không đầy gang tấc và đã kéo dài đời hoạt động của tôi tới 36 năm chẵn (tháng 6-1950 - 6-1986), tại Thành phố Cảng anh hùng, biết bao kỉ niệm buồn vui và đầy kịch tính.

(còn tiếp)
1 Response to 'Làm người là khó-Hồi ký Đoàn Duy Thành, Chương 3'
  1. paupabian
    http://ucviet.blogspot.com/2009/02/lam-nguoi-la-kho-hoi-ky-oan-duy-thanh_6716.html?showComment=1646346907235#c1267247617317189286'> 9:35 AM

    Blackjack Strategy & Strategy - DRMCD
    Blackjack is one of 경산 출장안마 the most popular card games available. 세종특별자치 출장샵 To win, the dealer must play the four cards. Players place bets 정읍 출장안마 and 용인 출장안마 then the 구미 출장마사지 dealer