Free Website Hosting

Chương 8

by admin on 10:37 PM

Chương 8
Cuộc đối chất có một không hai trong lịch sử đảng ta
Suốt hai năm ròng rã, từ khi tôi thôi uỷ viên khoá 6. Hàng tháng hoặc hai tháng tôi biên thư cho Bộ Chính trị và Ban Bí thư xin đối chất với những người có đơn vu khống chính trị tôi. Tôi nghĩ những người này không những loại được tôi ra khỏi chính trường, họ còn muốn làm “nhục” tôi nữa. Nên họ rêu rao do tôi khai man lí lịch phải ra khỏi các chức vụ. Nếu làm rõ ràng thì tôi còn phải khai trừ và đưa ra toà về tội làm “gián điệp” cho Pháp. Bởi vậy tôi phải kiên quyết đề nghị đối chất với họ. Đối với người làm hại mình, bên ngoài lại tỏ vẻ hàm ơn cho mình, bao dung cho mình, tôi cũng cần phải làm rõ trắng đen. Tôi nói rõ trong đơn, nếu lí lịch của tôi có chỗ khai man, tôi xin được “xử bắn”. Còn người vu khống tôi, chỉ cần thề trước khi đối chất là: “Nếu vu khống tôi, xin làm con chó là đủ”.

Nhưng nguyện vọng ấy mãi không được chấp nhận. Anh Đỗ Mười và một số đồng chí bảo tôi: “Lí lịch anh đã có văn bản của anh Võ Chí Công kết luận rồi, Đảng có đánh giá gì anh đâu mà phải đòi đối chất”. Tuy nói vậy, nhưng một số người vẫn vu khống, họ cũng không chịu cùng tôi đối chất.

Họ nói: “Vì bảo vệ Đảng mà họ nói thôi. Đối chất mất hết tình nghĩa giữa chúng tôi và anh Thành”.

Họ nói đạo lí “xanh rờn” như vậy nghe có “thấu tình đạt lí không” ? Tôi viết thư cho anh Lê Đức Anh nói: “Đề nghị anh chủ trì giúp, vì anh Mười đối với tôi và anh Tô Duy cũng khó nói...”

Anh Lê Đức Anh gặp tôi ở Quốc hội nói: “Việc này đã rõ quá rồi, không làm không được, tôi sẽ nói với Mười chủ trì giải quyết sớm”. Nhưng mãi cũng không thấy tổ chức đối chất. Anh Đỗ Mười gặp tôi bảo phía bên kia họ không đối chất.

Một hôm nhà tôi và tôi đến thăm anh Mười. Lúc đó nhà tôi thấy bức xúc quá, nên cứ vừa khóc, vừa đập bàn nói: “Anh phải chủ trì giải quyết cho nhà em. Nhà em phải hi sinh vào đất địch gian khổ, bị bắt, bị tra tấn, giam cầm khổ như thế nào. Nay họ vu khống cho nhà em là gián điệp quốc tế, các cháu đều là đảng viên cả, chúng sẽ nghĩ về Đảng ra sao? v.v..”.

Anh Mười quay sang bảo tôi:

- Tại sao anh Thành lại nói việc này với chị ấy? Việc này để tôi giải quyết. Cô ốm nên yên lâm chữa bệnh. Tại sao anh Thành lại nói với chị ấy trong lúc ốm đau.

Tôi hơi khó chịu, nói:

- Thưa anh Mười, việc này cả nước cùng biết, tôi sao giấu được nhà tôi? Anh bảo với Tô Duy có đào mả bố hắn lên cũng không tìm được tài liệu tôi bị bắt tháng 2-1951.

Anh Mười đứng phắt dậy đi ra tủ sách xem, không nói chuyện với chúng tôi nữa. Tôi rỉ tai nhà tôi: “Chạm nọc rồi”. Khoảng 5,7 phút đi vòng xem các tủ sách như tìm cái gì, anh Mười tỏ ra bực tức, nhưng không nói. Sau trở lại ngồi xuống nói với chúng tôi: “Cô cứ yên tâm để việc này tôi giải quyết”.

Chúng tôi đứng dậy xin phép anh Mười ra về.

Tôi nghĩ phải kéo những người này ra trận tiền, không để họ cứ ở chỗ tranh tối, tranh sáng trong xó tối, nhân danh bảo vệ Đảng để tiếp tục vu khống, làm “nhục” mình. Tôi bèn viết một lá thư gửi anh Mười và gửi rộng rãi các đồng chí Ban bí thư, Bộ Chính trị, các ban của Đảng. Tôi thôi không xin đối chất nữa, chỉ cần xác minh cho tôi bị bắt tháng 91951 không phải tháng 2-1951 là đủ. Lá thư đó lọt đến tay những người vu khống tôi, họ yên trí là tôi sợ đối chất, vì họ có nhân chứng sống như Hoàng Chữ, đã có thư gửi anh Đỗ Mười (phần trên đã nói nội dung bức thư). Họ hí hửng chỉ một nhân chứng sống Hoàng Chữ cũng đủ để đánh gục tôi. Còn ngày bị bắt tháng 2 hoặc tháng 9-1951 không còn ý nghĩa nữa. Lập tức những người vu khống kí tên xin đối chất với tôi, gồm 12 người. Sau anh Nguyễn Văn Bút, Phó Bí thư Thành uỷ xin rút. Vì hôm họp anh em kháng chiến “Đèo Voi”, anh Bút gặp tôi giơ tay bắt tay, tôi không bắt tay. Anh Bút vẫn nài tôi bắt tay. Tôi nói: “Anh phải hứa với tôi từ nay không tham gia với nhóm vu khống tôi”. Anh Bút đồng ý, tôi bắt tay anh Bút. Từ đó anh cự tuyệt và không tham gia với nhóm này nữa. Quan hệ giữa tôi và anh Nguyễn Văn Bút trở lại bình thường.

Hôm 19-6-2004 vừa qua, trong bữa cơm Thành uỷ và UBND thành phố Hải Phòng chiêu đãi chúng tôi, anh Bút lại kể lại tình bè bạn thân thiết giữa tôi và anh Bút cho mọi người nghe, (trong đó có đồng chí Trịnh Văn Sử, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cùng nghe). Anh Bút kể lại câu chuyện khi chúng tôi về chuẩn bị nhận chức Bí thư Quận uỷ Bạch Đằng và Ngô Quyền: “Trong lúc chờ đợi ở Đèo Voi, sống khổ sở mỗi bữa có một con cá phèn nướng, sáng tôi ăn đầu anh Thành ăn đuôi, chiều ngược lại. Có mấy cọng rau muống cũng chia đôi...”. Mọi người nghe rất xúc động...

Mãi đến ngày 26-2-1993 Ban Bí thư mới quyết cho tổ chức cuộc họp đối chất do anh Đỗ Mười, Tổng Bí thư chủ trì, có anh Nguyễn Đình Hương uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ và 8 cán bộ Vụ trưởng, Vụ phó ban Tổ chức Trung ương, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ đã tham gia cuộc đối chất xác minh vấn đề bị bắt, bị tù của tôi, và những đơn tố giác. Hải Phòng có đồng chí Lê Danh Xương, Bí thư Thành uỷ, đồng chí Trần Huy Năng, Uỷ viên thường vụ, trưởng ban Tổ chức thành uỷ cùng dự.

Về phía những người tố giác có 11 đồng chí.

1/ Tô Duy, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Kiến An, uỷ viên thường vụ Phó Chủ tịch UBND Hải Phòng, Chủ nhiệm Uỷ ban vật giá Trung ương.
2/ Lê Quang Tuấn, nguyên Bí thư Thành uỷ Hải Phòng 1948, Giám đốc công an khu 3, Bí thư tỉnh uỷ Hà Bắc, Viện trưởng viện thi đua khen thưởng.
3/ Trần Đông, nguyên uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là bộ Công an).
4/ Nguyễn Mạnh Ái, nguyên Bí thư quận uỷ Ngô Quyền, cục Phó Cục bảo vệ Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam.

Và 7 đồng chí khác là Nguyễn Thắng, Vũ Kính, Phạm Diệt, Vũ Tiến Long, Hoàng Hải, Hoàng Chữ, Phùng Văn Về.

Về phía nhân chứng cho tôi có 10 đồng chí: Lê Nghiêm, Quận uỷ viên quận Ngô Quyền, hoạt động trong nội thành, người trực tiếp đón tôi vào nội thành công tác, đồng chí Nguyễn Văn Nhuận, Bí thư chi bộ khu 7 thuộc quận Ngô Quyền là người đưa đón tôi đi hoạt động ở nội thành; cô Trần Thị Định cùng với chồng là đồng chí Bảo, là cán bộ của khu 7, nơi tôi qua lại ăn ở. Cô Định và chú Bảo còn ứng cho tôi mượn một cây vàng lấy tiền lo thẻ căn cước của tôi và đồng chí Đào Ái cho chúng tôi có giấy tờ của địch, đi lại trong nội thành hoạt động. Đồng chí Lê Công Thiên, Phó Bí thư huyện uỷ Kim Thành, huyện đội trưởng, đã giúp đỡ tôi về chữa bệnh ở Kim Thành. Các đồng chí Nguyễn Xuân Sâm, Nguyễn Văn Nghĩ, Nguyễn Tân, Vũ Quang Đạo, là những đồng chí cùng bị bắt và cùng bị tù với tôi ở nhà tù Đoạn Xá, Côn Đảo... Đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên quyền Trưởng ti y tế Hải Phòng, cưới chị Phụng Dương ngày 8-7-1951, cưới tập thể với đám cưới anh Tô Duy cưới chị Lê Thu; anh Nguyễn Đình Hân, chuyên viên văn phòng thành uỷ, tháng 71951 còn ăn cơm với tôi ở văn phòng thành uỷ tại Hồ Lao Sơn Động Bắc Giang, trước khi tôi vào nội thành công tác.

Đến hội nghị đối chất vẫn còn vu khống trắng trợn

Đúng 8 giờ ngày 26-2-1993 hội nghị họp.

Đồng chí Đỗ Mười chủ trì hội nghị tuyên bố:

- Hôm nay tôi là Bao Công. Ai có ý kiến gì nói cho hết.

Sau đó anh Mười nói: Bị bắt tháng 2 hay tháng 9 có gì quan trọng nhỉ? Vấn đề bị bắt khai báo ra sao, trong tù hoạt động thế nào, mới là quan trọng chứ?

Tôi đứng lên báo cáo với anh Mười:

- Các anhđây không tìm thấy khuyết điểm của tôi khi bị bắt, khi bị tù, các anh ấy xoay sang việc tôi bị bắt tháng 2-1951. Trong lí lịch tôi khai bị bắt tháng 9-1951 như vậy chênh lệch nhau 7 tháng. Bảy tháng ấy tôi đi đâu? Chắc đi huấn luyện làm tình báo cho địch. Không đơn giản như anh nói đâu, anh Mười ạ!

Ban Tổ chức báo cáo là còn thiếu anh Hoàng Chữ. Tức thời anh Nguyễn Thắng, anh Vũ Tiến Long đứng dậy nói:

-Anh Hoàng Chữ không dám lên Hà Nội họp vì sợ anh Thành giết.

Anh Nguyễn Mạnh Ái cũng nói là anh Hoàng Chữ nói với anh Ái như vậy. Có mỗi một nhân chứng sống lại vắng mặt. Nhân chứng này viết thư trực tiếp cho anh Mười, nếu không có mặt thì còn chứng lí gì để đối chất? Trong lúc đó một cán bộ Ban tổ chức đứng dậy báo cáo với anh Mười: “Anh ta trốn đấy! Chứ ai giết mà anh ta sợ”. Anh Mười bảo anh Lê Danh Xương cho người tìm và dẫn bằng được anh Hoàng Chữ lên Hà Nội. Đồng chí Lê Danh Xương điện về Hải Phòng yêu cầu tìm mọi cách đưa anh Hoàng Chữ lên Hà Nội họp ngay.

Cuộc họp bắt đầu. Các anh Tô Duy, Trần Đông phát biểu trước, rồi đến các anh Nguyễn Thắng, Vũ Tiến Long, Phạm Điệp, Nguyễn Mạnh Ái. Họ phát biểu dài dòng đại để như: tôi đã 20 năm làm công an nên có kinh nghiệm chống gián điệp, âm mưu nọ, âm mưu kia. Họ không nêu được ý gì cụ thể cả, chỉ nghe dư luận v.v... Tôi có lúc khó chịu, có lúc xuýt bật cười. Tôi ghi chép kĩ, để khi phát biểu sẽ nói cho mỗi vị một trang. Tất cả đều chung chung. Có anh không nói, vì không biết gì cả, như anh Hoàng Hải, anh Lê Quang Tuấn họ đã định không phát biểu. Tôi nhắc anh Mười bảo anh Tuấn phát biểu, anh Tuấn mới phát biểu: “Đây là hội nghị của Đảng, nên cứ phát biểu chung, không nên hết phe này phát biểu rồi đến phe kia phát biểu” (chấm hết).

Lúc đó đã là 3 giờ chiều. Một cán bộ Ban Tổ chức Thành uỷ đưa anh Hoàng Chữ vào hội trường. Ngồi 5 phút, anh Mười bảo anh Hoàng Chữ phát biểu. Anh Chữ nói:

-Tôi xin lỗi đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Đoàn Duy Thành, tôi chỉ nghe quân tôi nói, tôi không trông thấy đồng chí Thành mặc quần áo trắng, đọc nhật trình, không bị tra tấn gì, ngồi xem anh em bị tra tấn. Tôi nói như vậy là có sự tác động. Một lần nữa tôi xin lỗi đồng chí Tổng Bí thư và đồng chí Thành.

Rồi anh Hoàng Chữ ngồi xuống. Tôi liền hỏi: “Ai tác động?”. Anh Hoàng Chữ không trả lời. Còn anh Phùng Văn Về, cháu ông bà Ngời, ở ngõ Sỏi phố ga Hải Phòng là nhân chứng đã tuyên bố biết tôi bị bắt tháng 21951, đã cùng ăn, cùng ngủ với tôi ở nhà ông bà Ngời. Anh Về phát biểu:

-Tôi chưa gặp anh Thành lần nào, chỉ thấy cô, chú tôi nói là anh Duy bị bắt ở đây. Tôi nhớ là mùa nóng bức, tôi không nhớ rõ là ngày tháng nào cả.

Anh Hoàng Hải phát biểu:

-Tôi không biết gì cả. Các anh ấy nhờ tôi đưa anh Về lên đây giúp.

Đặc biệt là anh Vũ Kính, nguyên uỷ viên Thường vụ quận uỷ Ngô Quyền, phụ trách văn phòng từ khi mới lập quận, anh người Hưng Yên, thường vụ huyện uỷ Mỹ Hào, được điều sang Hải Phòng từ 1949. Anh cũng học Hán tự, cũng biết đạo lí của Thánh hiền. Anh biết tôi làm Bí thư quận uỷ, rồi xuống làm Phó Bí thư vì không phải là Thành uỷ viên.

Tháng 7-1951 tôi vào nội thành hoạt động, tôi gửi tài liệu và tư trang cho anh. Sau anh gửi tài liệu và tư trang của tôi cho anh Trần Phương (Phương xích) là Bí thư quận uỷ Ngô Quyền trả lại tôi. Anh Vũ Kính đã làm Chánh văn phòng Thành uỷ và đón tôi ở Côn Đảo về. Sau anh làm Phó Giám đốc sở Công an, rồi làm Hiệu trưởng trường trung cấp Công an của Bộ Nội vụ, trường đóng ở Hà Bắc. Tôi đã có ý định mời anh Vũ Kính làm chứng cho tôi, sau biết được anh đứng trong danh sách 12 đồng chí dự đối chất với tôi nên tôi không mời nữa, đợi xem ngày họp đối chất anh sẽ nói gì về tôi. Đến khi phát biểu, anh Vũ Kính chỉ nói một câu: “Tôi đến đây chỉ để chứng minh cuộc họp Ban chấp hành quận uỷ Ngô Quyền tháng 6-1951 là không có. Lúc đó tôi đi học ở trường Trần Phú”. Rồi anh Kính ngồi xuống không nói gì thêm. Tôi cũng hơi buồn cười, vì chẳng có ai nhắc đến cuộc họp (tháng 6-1951). Khi giải lao, tôi gặp anh Kính, nhắc lại chuyện cũ. Anh Kính bảo tôi: “Tôi còn nhớ tất cả, kể cả tháng 7-1951 tôi còn đưa anh ra Đồng Vành chụp ảnh, rồi đưa cậu Văn Te làm giấy chứng minh do Bang Trình Thuỷ nguyên kí” Tôi nói lại: “Tôi định mời anh làm nhân chứng cho tôi, nhưng thấy danh sách đối chất với tôi có tên anh rồi, nên tôi không mời nữa”. Anh lặng yên không nói gì.

Từ 3g30 chiều, 10 đồng chí bảo vệ sự thật cho tôi mới phát biểu. Trong lúc những người tố giác nói sai sự thật, các đồng chí phía tôi rất tức giận, như cô Định, đồng chí Thiện, đồng chí Vũ Quang Đạo. Họ giơ tay liên tục đòi phát biểu. Tôi ra hiệu cho họ cứ bình tĩnh, để các anh phía bên kia phát cho hết ý đi, mình phát biểu cũng không muộn. Cô Định tức giận đứng dạy phát biểu rất xúc động. Khi cô phát biểu xong, đồng chí Đỗ Mười ôm hôn cô và nói: “Tôi thương vợ chồng cô quá!”. Đồng chí Nguyên Tân (Văn Tân) tức giận nói: “ ...Chúng tôi đã bị địch giày xéo lên xác chúng tôi, các anh còn định giày xéo lên xác chúng tôi lần nữa hay sao?” Anh Vũ Quang Đạo, móc một mắt giả do anh làm “cooc-vê” đập đá ở Côn Đảo bị đá bắn vào mù mắt, nói “Tôi lấy một con mắt còn lại, bảo đảm rằng đồng chí Thành là một đảng viên kiên cường, đã cùng với anh Văn (Hiến), anh Lê Đình Thụ cùng các đồng chí trong Đảo uỷ Côn đảo vạch ra kế hoạch vượt đảo có một không hai trong lịch sử các nhà tù của đế quốc...”

Khi kết thúc hội nghị, đồng chí Vũ Quang Đạo nói với anh Đỗ Mười: “Hôm nay tôi đem cả thẻ đảng viên đến đây. Nếu anh kết luận khác là tôi trả thẻ đảng, để xin ra Đảng”. Anh Mười nói: “Đến thế à!”.

Đến 7 giờ tối, hai phía đã phát biểu xong, anh Mười nhìn tôi bảo:

-Đủ rồi, để tôi kết luận kẻo muộn. Anh Thành không cần phát biểu nữa.

Tôi xin phát biểu 5 phút, tôi nói:

-Tôi định phát biểu dài, tôi đã chuẩn phát biểu trả lời cho mỗi anh một trang, nhưng anh Mười bảo thôi, vậy tôi chỉ nói về anh Vũ Kính, anh Kính biết tất cả mọi việc của tôi, nếu anh nói hết sự thật cho các anh này biết, có thể không phải có cuộc họp này. Tôi kể lại đầu đuôi từ ngày thành lập quận, anh Vũ Kính ở đủ các thời kì tôi vào nội thành hoạt động. Tôi bị bắt, bị tù, ra tù, anh Vũ Kính lại đón tôi, nghe hết mọi chuyện thẩm tra, điều tra xác minh về tôi.v.v. Tất cả lời phát biểu của tôi, anh Kính đều công nhận là đúng. Tôi định nói thêm về anh Nguyễn Mạnh Ái một chút, nhưng anh Mười bảo tôi quá muộn rồi, để anh kết luận. Tôi ngồi xuống vừa suy nghĩ. Anh Vũ Kính có học Hán tự nên còn giữ được chữ “tín”. Còn anh Tô Duy, việc rành rành như “canh nấu hẹ”, như việc vợ chồng anh và chị Lê Thu cưới tập thể với vợ chồng anh chị Linh và Phụng Dương, anh Lê Xuân Thịnh và chị Kiệm, 5 người còn sống (trừ anh Thịnh đã hi sinh từ 1952) cớ sao anh có thể nói khác đi. Năm 1982 vợ chồng anh Tô Duy và chị Lê Thu còn xác minh lại với tôi là, họ cưới nhau 8-7-1951 ở Hồ Lao, có mặt tôi ở đó, rồi mấy hôm sau họ còn đến thăm tôi Anh Linh (Nghĩa), chị Phụng Dương, chị Kiệm đều chứng nhận tôi có mặt trong sự kiện trọng đại của ba đôi vợ chồng. Thế mà anh Tô Duy phủi tay để vu khống tôi bị bắt tháng 21951 chứ không phải tháng 9-1951, để ghép cho tôi 7 tháng vắng mặt là được địch cho đi đào tạo làm gián điệp. Anh Tô Duy còn bảo các anh em đi thẩm tra, bắt tôi phải tả lại đám cưới, nơi tổ chức đám cưới, trang trí như thế nào? Để bảo đảm tính trung thực của mình, tôi tả lại đầy đủ đám cưới cho cán bộ đi thẩm tra. Anh Tô Duy lại xoay ra việc khác, nói với cán bộ đi kiểm tra: “Cậu Thành đã đi điều tra tỉ mỉ nơi tổ chức đám cưới...”. Anh Tô Duy có biết đâu từ đó đến nay tôi chưa lần nào trở lại Hồ Lao, và cũng chẳng hỏi lại ai về việc này làm gì.

Thế mới hay có học cũng có hơn. Trong lúc làm việc với nhau ở quận, khi nghỉ làm việc ở Ràng Động, Minh Tân, Quì Khê, Minh Đức Thuỷ nguyên, hoặc Châu Xá, Kinh Môn... tôi và anh Vũ Kính hay đem Tứ thư, Ngũ Kinh ra bàn luận. Trong đó có chữ “tín”, Khổng Tử nói trong sách Luận ngữ. Trong một buổi Khổng Tử giảng bài cho học trò của mình có mặt Tử Cống, một trong 72 học trò giỏi của Khổng Tử. Tử Cống là nhà ngoại giao và chính trị. Ông hỏi đức Khổng Tử một câu về chính trị “Tử Cống vấn chính, Khổng Tử viết, Túc thực, túc binh dân tín chi hĩ” (Tử Cống hỏi về làm chính trị, Khổng Tử trả lời: Đủ lương thực, đủ binh lính, giữ chữ tín với dân). Tử Cống hỏi tiếp: Nếu 3 điều trên bất đắc dĩ phải bỏ một thì bỏ điều nào trước? Khổng Tử bảo: bỏ bớt binh lính. Tử Cống lại hỏi, còn 2 điều cũng bất đắc dĩ phải bỏ một thì bỏ điều nào? Khổng Tử trả lời: bỏ lương thực và giải thích: “Nhân sinh giai hữu tử, nhân vô tín bất lập” (Mọi người sinh ra phải có chết, nhưng người không giữ được chữ tín thì không thành người). Câu chuyện của Khổng tử nói với Tử Cống, chúng tôi rất tâm đắc, nên tôi nghĩ anh Vũ Kính dù có đứng trong danh sách 11 người, nhưng chỉ nói và công nhận sự thật để giữ được chữ tín”. Đó cũng là điều khó làm đối với một số người đã không giữ được chữ tín, mà còn bịa đặt, tráo trở lá mặt lá trái... là điều đáng suy ngẫm lắm thay!

Anh Đỗ Mười kết luận.

Trước khi kết thúc, anh Mười nói:

- Đề nghị anh Thành thôi không truy ngược lại nữa. Vì Đảng ta còn khó khăn”. Bản thông báo lời lẽ rõ ràng, nghiêm túc. Có đoạn viết “...Các đồng chí nghi vấn chính trị với đồng chí Đoàn Duy Thành là sai, không có căn cứ xác thực, yêu cầu các đảng viên phải nghiêm túc chấp hành kết luận của Ban Bí thư. Nếu đồng chí nào còn có ý kiến bảo lưu ở khía cạnh này, hay khía cạnh khác thì để lưu vào hồ sơ. Không đồng chí nào được nói khác kết luận của Ban Bí thư. Phải giữ vững nguyên tắc lập trung dân chủ và kỉ cương của Đảng”.

Thông báo này phổ biến đến các Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương. Riêng Đảng bộ thành phố Hải Phòng và Đảng bộ cơ sở nơi đồng chí Đoàn Duy Thành sinh hoạt Đảng được phổ biến đến chi bộ (Đồng chí Đào Duy Tùng thay mặt Ban Bí thư đã kí).

Sau 3, 4 tháng, tình hình lắng dịu. Khoảng tháng 9-1993, có Hội nghị giữa nhiệm kì, bầu bổ sung Trung ương. Số đại biểu đi dự đại hội lần thứ 7 chỉ được triệu tập khoảng 70%, tôi không được triệu tập đi họp, dù tôi là đại biểu chính thức Đại hội Đảng lần thứ 7. Tôi không được cử đi họp là chắc chắn như dự đoán của tôi. Tôi cũng không biết chính xác số đại biểu dự hội nghị giữa nhiệm kì là bao nhiêu đại biểu. Nhiều đồng chí uỷ viên, có cả uỷ viên Bộ Chính trị nói với tôi, yêu cầu Trung ương mời tôi đi dự hội nghị giữa nhiệm kì và bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương. Nhưng tôi đều cảm ơn và từ chối, không đặt vấn đề này ra làm gì nữa. Việc nó đã qua rồi, cho nó qua. Có đồng chí còn nói găng: “Cứ đến bắt đền ông Mười là ông ấy phải giải quyết”. Tôi nói lại: “Tôi đã nói với anh Mười, tôi chỉ đến xin công việc làm ích quốc lợi dân, còn xin chức vụ, quyền lợi không bao giờ tôi xin”.

Trong bản dự thảo thông báo của Văn phòng Trung ương về vấn đề của tôi, đưa cho anh Mười duyệt, anh chỉ gạch đi 2 từ: “hoàn toàn” ở câu: “Các đồng chí nghi vấn chính trị đối với đồng chí Đoàn Duy Thành là hoàn toàn sai”. Nay chỉ còn “là sai”. Nó cũng làm nhẹ khuyết điểm cho những đồng chí vu khống tôi một ít. Anh Đỗ Mười thừa biết là họ “hoàn toàn” bịa đặt. Sau một thời gian, họ lại tung tin: “Anh Đỗ Mười vội vàng, hồ đồ kết luận không chính xác về Đoàn Duy Thành”. Rồi họ đi “vơ bèo vạt tép” tin thất thiệt về tôi, như nhân chứng Nguyễn Văn Cấp, nguyên Bí thư Huyện uỷ Kim Thành nói là không có việc tôi về chữa bệnh ở Kim Thành. Tôi yêu cầu cho đối chất với anh Cấp. Anh Mười bảo: “Đối chất thế là đủ rồi. Vấn đề là để làm rõ bị bắt tháng 9 hay tháng 2-1951. Tháng 7-1951 cậu còn ở cơ quan văn phòng Thành uỷ. Còn dự đám cưới tập thể, bao nhiêu người làm chứng. Còn việc đi chữa bệnh ở Kim Thành tháng 2 đến tháng 5-1951 đã có anh Lê Công Thiệu làm chứng là đủ”. Tôi muốn đối chất với anh Cấp để vạch bộ mặt giả dối của anh ta. Vì tôi về chữa bệnh ở cơ quan huyện đội, anh Cấp cùng đồng chí Nguyễn Đình Củng, Chánh văn phòng đến thăm tôi ở nhà bà Kỉ, xóm Chùa, thôn Quê Phương, xã Bình Dân. Khi cơ quan huyện đội chuyển sang sơ tán ở Bãi Xuân Đám, Thanh Hà, ban đêm ngủ trên thuyền, anh Cấp còn đánh cờ tướng bằng trí nhớ với tôi v.v... Anh Cấp quen biết quá rõ tôi. Thế mà trong đơn tố cáo tôi, anh Cấp nói: “Tôi không biết anh Thành, tôi cũng không gặp anh Thành lần nào. Chỉ khi anh Thành làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tôi mới biết...” Anh bị một số anh em tù Côn Đảo ở Hải Dương và đồng chi Lê Công Thiệu phản bác lại. Anh Cấp lại đến đồng chí Nguyễn Đình Củng xác minh việc anh ta đến thăm tôi và có ý vận động anh Củng nói là không có. Khi sinh thời, đồng chí Củng kể lại chuyện này với tôi. Tôi lại càng thấy đấu tranh nội bộ nếu không nghiêm, nó sẽ lây lan rất phức tạp.

Chính sau khi đối chất xong, các đồng chí Ban Tổ chức kiến nghị với anh Mười nên có hình thức kỉ luật với những người nói sai sự thật, nhưng anh Mười gạt đi.

Một số anh em trong số 11 người, đi phân bua với nhiều người, nói là vì việc chung phải làm. Có người còn nói với một đồng chí bạn thân của tôi là: “Mình phục vụ cho ông ấy (ý nói anh Mười), ông lại kết luận mình sai. Nay mình chỉ yêu cầu ông ấy sửa bản thông cáo, bỏ chữ “là sai” là chúng mình không làm tiếp nữa. (nghĩa là không vu khống ông Thành tiếp nữa)”. Cổ nhân đã răn dạy, cần phải nhớ: “Sinh sự, sự sinh; hà nhật liễu! (Sinh ra việc, gây sự với người ta, người ta phải gây sự lại, không ngày nào kết thúc được). Do đó người lãnh đạo vì dân, vì nước, phải biết vì lợi ích của nhân dân, phải chọn điểm dừng, chấm dứt sự việc. Chỉ biết có mình và quên việc người khác phản ứng lại ra sao, tất nhiên phải đẻ thêm chuyện, không biết giải quyết đến lúc nào cho hết. Đến nay thấy rõ hai phía đều đòi nợ anh Mười. Tôi đòi anh Mười phải trả lại những gì anh đã làm ảnh hưởng đến tôi, gia đình vợ con tôi. Còn phía bên kia họ đòi công phục vụ anh, hơn nữa đã không được trả công lại bị kết luận là sai. Cứ thế, và cứ thế... Từ việc làm không đàng hoàng chính trực, biết bao cán bộ cấp dưới bắt chước, sinh nhờn kỉ luật. Từ kỉ luật sắt thành kỉ luật “mỡ” đó chẳng phải là bài học xây dựng Đảng, xây dựng con người lãnh đạo, phải có đức, có tài để làm gương tốt cho đời nay và mai sau hay sao? Các con tôi, bốn trai, các cháu đã trưởng thành, đều là đảng viên và cán bộ trung cấp. Chúng biết suy nghĩ và đều có bản lĩnh. Các cháu không buồn, không nản lòng, chỉ cám cảnh cho những đồng chí của bố mình lại làm những việc đen tối, nhằm hãm hại bố mình một cách độc ác. Có một số nhà văn, nhà báo đến phỏng vấn các cháu, cháu Đoàn Duy Khương con trai thứ ba của tôi đã trả lời:

- Tôi biết bố tôi đã hi sinh cho đất nước, cho gia đình và chúng tôi như thế nào. Mẹ tôi và bạn bè của bố tôi kể lại cho chúng tôi nghe. Tôi tin tưởng sắt đá rằng bố tôi là người trung thành tuyệt đối với Đảng và dân tộc. Nhưng cứ giả thiết rằng bố tôi là “gián điệp quốc tế” thì tôi rất tự hào được là con một người thông minh nhất thế giớí. Vì tất cả các loại gián điệp thông minh và giỏi nhất thế giới, mà ta biết, họ đi làm gián điệp, phải thay tên đổi họ, phải bỏ vợ con gia đình ở quê hương, đi một nơi khác... Thế mà bố tôi làm “gián điệp quốc tế” vẫn sống đầm ấm với mẹ con tôi vẫn sống ở quê nhà với cái tên thật mà trong nước lẫn thế giới đều quen thuộc: “Ông Đoàn Duy Thành”. Như thế phải là người thông minh nhất thế giới mới che mặt được cơ quan chống gián điệp của ta chứ!

Đồng chí Đỗ Mười đã dùng rất nhiều cách để hạ uy tín của tôi. Có rất nhiều chuyện, tôi chỉ kể ra đây hai chuyện. Trước đại hội 7 trong cuộc họp bàn về nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá 7. Anh Mười đứng lên phát biểu: “Bây giờ mới khui ra Đoàn Duy Thành có 3, 4 nhà ở Hải Phòng...”. Đồng chí Nguyễn Đình Hương, Phó ban Tổ chức Trung ương phải đứng lên cải chính: “Anh Đoàn Duy Thành chỉ có một nhà ở Hải Phòng do thành phố thu xếp cho, chúng tôi đã đi kiểm tra. Khi về công tác ở Trung ương, anh Thành đã trả lại nhà cho thành phố”.

Câu chuyện thứ hai. Anh Mười nói với một số cán bộ thân anh Mười để họ làm cái loa nói theo: “Đoàn Duy Thành ôm chân Võ Văn Kiệt.”. Họ rêu rao chuyện đó hàng năm. Anh Lê Đức Thọ nghe biết chuyện này. Anh Thọ đã nói trong một cuộc họp: “Đoàn Duy Thành nó thèm ôm chân ai. Đến tôi, nó cũng cãi tới số”. Một hôm tôi gặp anh Mười, tôi bảo: “Anh bảo tôi ôm chân anh Võ Văn Kiệt? Anh biết đấy, ở cái đất nước này tôi không thèm ôm chân ai. Nếu có ôm chân là ôm chân anh. Tôi đề nghị anh không nên nói như vậy. Tôi quý trọng người có đức, có tài; lễ độ, tôn kính người biết lự trọng và đối nhân xử thế có nhân cách...” Từ đó anh Mười mới không nói nữa v.v...

Kể ra còn nhiều, nhưng tôi nghĩ những chuyện sinh hoạt tầm thường của cá nhân không nên kể.

Năm 1997, Đại hội Phòng Thương mại và Công nghiệp có dư luận nói là lần này tôi không làm chủ tịch và về hưu. Việc về nghỉ, với tôi, tôi đã nói nhiều rồi. Bao giờ Đảng và Nhà nước bảo nghỉ là nghỉ ngay. Tôi không xin. Không rõ ai nói đến tai nhà tôi, nhà tôi đến nhà anh Mười, xin cho tôi làm thêm khoá nữa. Khi nhà tôi về, tôi hỏi nhà tôi đi đâu. Nhà tôi bảo đi đòi nợ ông Mười. Tôi hỏi lại, đòi cái gì? Nhà tôi mới cho biết đến đề nghị anh Mười để tôi làm thêm một khoá nữa. Tôi bảo: “Anh đã bảo em nhiều lần, không nên xin anh Mười chức vụ quyền lợi gì”. Nhà tôi đứng phắt dậy nói: “Em đến đòi nợ ông ta. Ông ta đã làm anh khổ sở, quá thiệt thòi. Đến đòi được ít nào hay ít ấy... Anh để mặc em, lần này em phải làm cho ra nhẽ. Không để ông ấy bắt nạt mình mãi...”.

Mấy hôm sau, anh Mười gọi tôi đến bảo: “Cậu về làm đơn xin làm thêm khoá nữa”. Anh không nhắc gì chuyện nhà tôi đến gặp anh. Tôi bảo: “Anh bảo tôi làm đơn, anh có ủng hộ không? Nếu anh không ủng hộ, không sao đâu”. Anh Mười chỉ bảo “Cậu về làm đơn đi”. Tôi về suy nghĩ, bàn với mấy đồng chí giúp việc. Các đồng chí khuyên tôi nên viết đơn. Phòng Thương mại và Công nghiệp cũng rất cần tôi làm thêm khoá nữa. Còn tôi, tôi cũng nghĩ đến những công trình dở dang, cơ chế về vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân chưa được thông qua, nếu tôi làm tiếp cũng là để hoàn tất được công việc. Tôi viết đơn gửi anh Mười và gửi đồng chí Nguyễn Văn An, Uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Sau Đại hội Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, anh Mười đi một số nơi tại Hải Phòng, anh Mười nói: “Đấy, Đoàn Duy Thành xin tôi làm khoá nữa, tôi cho làm đấy”. Tôi nghe các đồng chí nói lại. Tôi bảo nhà tôi: “Anh Mười đã kể công với mình đấy”. Nhà tôi bực mình nói: “Mặc ông ấy, mình đòi được một ít nợ là được rồi”. Tôi bảo: “Nợ này được cái gì? Chỉ biết trước mắt phải làm bao nhiều việc cho doanh nghiệp, cho VCCI...”. Nhà tôi lại lí sự với tôi: “Được làm việc cho cách mạng, đem lại lợi ích cho mọi người chứ sao. Để người khác họ đến phá và thu vén hết cho cá nhân, thì công lao khoá trước của anh cũng mất hết...” Tôi cười vui và nói: “Tôi lại thấp mưu hơn cô”.

Đến giữa nhiệm kì khoá 7. Tôi lại thăm anh Mười. Dù anh đối xử với tôi thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn giữ tình cảm anh em, đồng chí với anh. Lúc nào tôi cũng coi anh là Thủ trưởng. Anh kể cho tôi nghe, cuộc họp Trung ương giữa nhiệm kì này, anh xin nghỉ. Tôi hỏi ai thay, anh bảo tôi: “Lê Khả Phiêu”. Rồi anh giới thiệu quá trình của anh Lê Khả Phiêu, có đoạn đáng lưu ý và buồn cười với sự giới thiệu và giải thích này “Cậu Phiêu nó chiến đấu ở Bình Trị Thiên được rèn luyện 14 năm. Nó lên có thể giữ được hai khoá. Còn bảo nó hủ hoá thì mấy người còn hủ hoá quá nó!”. Tôi nói, phải giữ được hàng trăm năm chứ sao lại hai khoá? Còn đoạn sau tôi không bình luận. Khi nghĩ một Tổng Bí thư giới thiệu một Tổng Bí thư mới thay mình mà nói như vậy nghe không được. Không rõ anh Mười đã nói với bao nhiêu cán bộ về câu chuyện này? Tôi thấy cách giải thích đó không đúng tầm của một cán bộ lãnh đạo quốc gia...

Đến Đại hội 9, trong thời gian chuẩn bị nhân sự đại hội, tôi biết có nhiều phức tạp. Bộ Chính trị mời một số cán bộ cao cấp đến tham khảo ý kiến về nhân sự, trước khi đến họp tôi lại thăm anh Mười. Anh nói nhiều chuyện về nhân sự. Khi nói đến Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, anh Mười nói: “Cậu Phiêu bây giờ gái nó nắm hết rồi. Có đứa là CIA. Kì này phải thay người khác...” Tôi đã định nói một câu, nhưng suy đi nghĩ lại sợ anh Mười phật lòng, nên tôi không nói nữa. Câu tôi định nói là: “Nay chắc anh Lê Khả Phiêu hủ hoá hơn mấy người trước?”. Tôi thấy rất buồn, cán bộ chủ chốt không đào tạo, không qui hoạch, thay đổi vội vàng thì lòng Đảng không yên, lòng dân yên sao được?

Trong việc thay anh Lê Khả Phiêu, tôi đến dự hội nghị được một đồng chí cho biết: có một cán bộ thân với anh Mười, hỏi anh Mười sao lại làm như vậy. Anh Mười trả lời: “Nó lật tôi, tôi lật lại”. Tôi nghĩ trong nội bộ mà xử sự như vậy lộn xộn lắm!

Tôi nhớ lại, Đại hội 7, anh Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư sẽ nghỉ. Anh bảo tôi lại nhà chơi. Anh hỏi tôi giới thiệu ai là người thay anh. Rồi anh đưa vài người ra phân tích cho tôi nghe. Khi anh lại hỏi ý kiến. Tôi nói: “Như anh đã nói nhiều lần khi anh làm Tổng Bí thư khoá 6: Cán bộ không qui hoạch, không đào tạo, nước đến chân mới nhảy, như cầm đóm đi soi ếch... còn bây giờ tùy anh và Bộ chính trị chọn. Tôi nghĩ: “Cạn ao, bèo đến đất”; “Chọn bó đũa lấy cột cờ”, giữ được đoàn kết nội bộ, ổn định chính trị là tốt nhất. Còn các đồng chí mà anh giới thiệu, kẻ 8 lạng, người nửa cân, người được mặt này, yếu mặt kia, tùy anh lựa chọn. Tôi không dám tham gia cụ thể”.

Sắp hết đời chỉ mong được tự do nhưng vẫn không yên thân

Cuối năm 2002 mọi người đều biết là đến tháng 4-2003 tôi sẽ nghỉ hưu, sau Đại hội Phòng Thương mại và Công nghiệp VN. Một số nhà văn, nhà báo đến chơi. Trong các buổi đến chơi, các đồng chí cũng không đặt vấn đề phỏng vấn, chỉ đề nghị tôi trong đời hoạt động cách mạng có những gì còn đọng lại, mang dấu ấn vui buồn thì kể lại cho nghe. Trong các cuộc gặp gỡ cuối năm vui vẻ đó, tôi kể một số chuyện mà tôi tâm đắc nhất... Rồi các nhà báo về tự viết. Họ đưa lại tôi xem những sự kiện viết có chính xác không, còn văn vẻ, đầu đề bài báo do nhà báo, nhà văn viết, tôi không duyệt lại. Số báo có các bài khi xuất bản các đồng chí đều biếu tôi, nơi một bản, nơi 2, 3 bản, như các bài “Vị tướng của doanh nhân” báo Thế Giới Mới; bài “Thủ lĩnh của doanh nghiệp” của báo Tài chính; bài “Người say mê với sự nghiệp làm giàu” của báo Khoa học. Và một số báo khác.

Những bài báo trên là hoàn toàn sự thật 100% nhưng không hiểu sao anh Đỗ Mười lại tức giận đến thế! Anh không nói gì với tôi, nhưng qua nhiều nguồn tin tôi biết. Tôi nghĩ có dịp đến thăm, tôi sẽ nói cho anh Mười rõ là tôi không có ý định viết về mình. Ngay các nhà báo viết những bài trên, gần đây đến chơi và gọi điện cho tôi nói rằng họ viết hoàn toàn tự nguyện, không ai đề nghị, nhưng áy náy vì đã làm cho tôi phải phiền lòng. Tôi bảo không sao cả, quan trọng là sự thật.

Ngày 2-8-2003 anh Đỗ Mười bảo tôi đến chơi. Nhân đó tôi hỏi anh Mười sao không kỉ luật những người tái vu khống tôi trên tờ báo An ninh Thế giới?

- Tôi sẽ kiện ra toà về tội vu khống chính trị. Hôm nay tôi chính thức đề nghị với anh đồng ý cho tôi kiện.

Anh Mười vội vàng tìm máy gọi anh Nông Đức Mạnh, anh Phan Diễn, anh Trần Đình Hoan để nói chuyện. Nhưng ba anh trên đều đi vắng. Anh Mười nói chuyện với thư kí của ba anh, nhắc ba anh giải quyết sớm vụ việc của tôi, không để tôi đi kiện.

Sau đó anh ngồi nói chuyện với tôi, anh bảo: “Mình đã vo tròn lại, cậu lại rũ rối ra”. Câu nói đó tôi rất sửng sốt, không hiểu tôi rũ rối cái gì. Vụ anh Tô Duy vu khống tôi, từ ngày có kết luận của Tổng Bí thư tôi có nói gì nữa đâu. Chỉ khi họ tung tin anh Mười kết luận “hồ đồ”, “vội vàng”, ám chỉ anh Mười thiên vị tôi, tôi mới làm đơn xin đối chất lại, xoá kết luận cũ, giao cho một người chủ trì do phía anh Tô Duy giới thiệu, để khỏi mang tiếng cho anh Mười. Có thế thôi. Tôi có rũ rối gì đâu? Anh Mười nói: “Tôi nhận được miếng giấy con của anh Nguyễn Văn Trân (anh giơ ba đầu ngón tay ra, và nói bằng từng đây này), phản đối bài báo của cậu “Vị tướng của doanh nhân”. Tôi nghĩ liên quan gì đến anh Nguyễn Văn Trân về bài báo này nhỉ? Tôi ngồi suy nghĩ phân vân quá! Vì sao mấy bài báo nói sự thật vừa qua, lại dẫn đến bài báo của anh Tô Duy đăng ở trang 31 báo An ninh thế giới ra ngày 17-4-2003- trước ngày họp Đại hội Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam? Thật là khó hiểu...

Sau đó anh Mười bảo tôi thôi đừng kiện Tô Duy nữa: “Hai ông gộc, một Phó Thủ tướng, một Bộ trưởng đi kiện nhau làm gì”. Tôi nói tôi kiện thì anh và anh Võ Chí Công cũng phải ra toà làm chứng. Anh Mười bảo: “Thế cơ à”. Tôi cười và nói: “Luật của thế giới là vậy đấy. Còn ở ta các anh viết một lá thư, hoặc cho luật sư nói thay là đủ”. Anh Mười bảo tôi thôi đừng kiện nữa, sẽ bảo anh Nông Đức Mạnh giải quyết sớm. Còn việc nhập vàng hỏi chú Thuý, anh không nhớ. Tôi nghĩ việc nhập vàng anh “chửi” tôi hàng năm, anh lại không nhớ, thật là kì lạ! Tôi chào anh ra về. Anh tiễn tôi ra đến cổng, một cách thân mật.

Tối về nhà, tôi tiếp tục suy nghĩ. Mở lá thư của anh Tô Duy viết ngày 15-5-2003 gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư và anh Đỗ Mười, trang 4 có đoạn viết: “Đồng chí Đỗ Mười nguyên Tổng bí thư Trung ương Đảng, tố cáo bài báo đó chứa đựng nhiều điều bịa đặt, lừa bịp rất trắng trợn, để đề cao cá nhân Đoàn Duy Thành một cách hết sức lố bịch”.

Tôi lại nhớ buổi gặp anh Mười, khi tôi mới đến, anh Mười nói ngay: “Cậu Tài nó mới được phong anh hùng đấy!” Thoáng nghĩ tôi hiểu anh lại muốn động viên tôi (anh Tài cũng bị nghi oan khi ở tù như tôi, sau được thẩm tra kết luận tốt).

Khi tôi nói đến các bài báo mới đăng dịp tết năm 2002-2003 đều hoàn toàn là sự thật, chẳng có một việc nào bịa đặt, tôi chìa lá thư của anh Tô Duy ra. Anh Mười tỏ vẻ hơi bối rối, nói lảng sang chuyện khác. Vì lá thư này anh Tô Duy cũng gửi cho anh Mười. Tôi định đọc đoạn anh Mười nhận xét bài báo như đã nói trên, nhưng suy nghĩ tôi lại thôi. Vì anh mời tôi đến chơi chứ tôi không chủ động đến để “đôi co” với anh.

Mấy hôm sau chị Kiệm, nguyên Vụ trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (phu nhân đồng chí Lê Xuân Thịnh, nguyên Bí thư Thành uỷ Hải Phòng đã hi sinh ở Thái Bình) đến chơi kể lại chuyện mới gặp anh Mười. Chị kể: “Anh Mười nói: cậu Thành cũng có khuyết điểm. Tôi đã vo tròn rồi cậu Thành lại cho đăng báo tâng bốc mình quá mức. Việc nhập vàng là tôi bảo Cao Sĩ Kiêm nhập. Cậu Trần Phương và cậu Thành lúc đó tính đều sai cả. Tôi làm, tôi tính mới đúng, mới giải quyết được lạm phát, khủng hoảng kinh tế”. Chị Kiệm nói lại với anh Mười: “Tôi tưởng khuyết điểm gì, chứ nói quá mức thành tích thì không khuyết điểm để so sánh với việc anh Tô Duy đăng trên báo An ninh thế giới...”.

Sau khi tôi nghe chị Kiệm kể lại câu chuyện gặp anh Mười, tôi buồn cười về một đồng chí Thủ tướng vơ hết thành tích về mình, đổ lỗi cho người khác, nhất là nói sai sự thật:

1/ Khi tôi nhập vàng anh Cao Sĩ Kiêm còn ở Thái Bình.
2/ Việc anh Trần Phương tính ra sao tôi không biết.

Còn bài tính của tôi khi tôi làm Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, anh Mười đã tuyên bố 2 lần ở các phiên họp Hội đồng bộ trưởng và Thường vụ Hội đồng bộ trưởng là “làm theo bài tính của anh Đoàn Duy Thành”. Nay anh Mười nói với chị Kiệm là tôi tính sai hết. Tôi vừa buồn cười vừa suy nghĩ nói với chị Kiệm: “Đúng là nhân dục vô nhai. Mình là thằng đầy tớ dọn cỗ cho thầy ăn, mình chỉ đợi vét đĩa mà cũng không được vét đĩa, thầy lại đòi vét nốt...”. Tôi nhớ lại khi được điều về Hà Nội công tác, vội vàng khăn gói ra đi, nhà tôi sợ tôi ốm, cũng theo lên Hà Nội phục vụ chồng, giao cho bà ngoại trông nom các cháu ở Hải Phòng. Các cháu cũng đã lớn, đi làm việc nhưng vẫn ăn ở chung tại số 10 Đinh Tiên Hoàng. Nghe chú Xuân Khang, kĩ sư, nhạc sĩ kể lại mà tôi rơi nước mắt: “Đến gặp cháu Phương, cháu Trọng đang ăn cơm trưa, chẳng thấy có gì. Cháu Phương bảo cháu Trọng xem còn gì mang cho anh ăn cơm. Cháu Trọng bảo chỉ còn mấy con tôm, bà dặn để dành tối ăn...”. Tôi nhắc câu chuyện đó với nhà tôi, bảo nhà tôi lo cho các cháu đôi chút về đời sống. Nhà tôi gắt: “Lương chỉ có thế thì ăn thế. Nghe cái mồm chú Khang làm gì...”.

Trong lúc đó, không biết theo chỉ thị của ai, họ đem camera, đặt ở tầng hai nhà kế bên nhà số 10 Đinh Tiên Hoàng để theo dõi nhà tôi. Sau này tôi biết một chi tiết rất nhỏ: “Đặt camera theo dõi nhà ông Thành xem có di chuyển tài sản gì đi đâu không. Nếu có, báo ngay cho biết chuyển tài sản gì đi, nhất là ban đêm, sẽ ập vào bắt và khám nhà”. Theo dõi nửa năm chẳng thấy động tĩnh gì nên họ rút.

Phòng gác hai là của đồng chí Phan Văn, Giám đốc Sở Văn hoá được phân phối. Nhưng đồng chí Phan Văn về ở với con, phòng khoá cửa. Còn do ai cho mượn để đặt máy quay thì đồng chí kể lại chuyện này không cho tôi biết.

Họ nghĩ rằng tôi công tác ở Hải Phòng 36 năm, làm Chủ tịch và Bí thư Thành uỷ 7 năm, chắc vơ vét được nhiều tiền của lắm, nhiều tài sản quý hiếm lắm! Sau khi được nghe kể lại chuyện này, tôi rất buồn. Làm cho dân, cho nước, mình không vụ lợi một xu nhỏ, đối xử với mình lại như thế?

Mãi đến 1990, khi tôi nghỉ Bộ trưởng Bộ kinh tế đối ngoại và xin về hưu, một số công ti thuộc Bộ và địa phương đến thăm thấy Bộ trưởng tài sản chẳng có gì, đồng chí Mai Văn Dâu, Giám đốc Tổng hợp I của Bộ mang xuống tặng một cái Tivi cũ của Nhật bản; Công ti xuất nhập khẩu thành phố Vũng Tàu và tỉnh Đồng Tháp cho cái tủ lạnh và bộ Radio Cassette; Vợ chồng đồng chí Giám đốc công ti Huy Hoàng - Cẩm Nhung cho bộ Cassette 4 tầng mới nhất của Nhật Bản và 5 triệu đồng. Nhà tôi từ chối mãi không được. Chú Huy Hoàng và cô Cẩm Nhung nằn nì mãi, và nói: “Anh đã nghỉ rồi, đây là tình cảm, chị nhận cho”. Nhà tôi nhất định không nhận. Hai cô chú cứ để lại và ra về... Công ti Rau quả Hải Phòng cho nhà tôi một điều hoà cũ do Liên Xô sản xuất. Từ đó trong nhà chúng tôi mới có hàng “xịn” để dùng. Còn trước chỉ có một Tivi Neptun của Ba Lan sản xuất, một đài Hồng Đăng của Trung Quốc. Nghỉ Bộ trưởng, thành ra đổi đời về sinh hoạt.

Khi đương chức, một số anh em biếu quà bình thường, thì nhà tôi nhận, còn không nhận. Có người đi nước ngoài về cho mấy củ sâm cao ly, khách ra đến cổng rồi, nhà tôi còn đuổi theo trả lại. Năm 1993 tôi sang thăm Thái Lan. Biết anh Nguyễn Văn Linh mới đi thăm Italia về cùng nghỉ ở lầu trên khách sạn Principale Băng Cốc, tôi lên thăm anh. Anh kể chuyện đi thăm Italia cho tôi nghe. Rồi anh nhắc lại việc tôi xin từ chức, anh lại khóc, anh lại nói lại: “Tôi không cứu được anh”. Tôi bảo: “Tôi làm gì khiến anh phải cứu? Có ủng hộ tôi thì ủng hộ”. Tôi biết anh Nguyễn Văn Linh rất có tình cảm với Hải Phòng và với tôi. Anh lớn lên từ 6 tuổi đã ở với chú tại Hải Phòng. Qua nhiều năm công tác, tôi quen biết anh, lại cùng ở tù Côn Đảo, tuy anh là bậc đàn anh, lớp tù trước so với tôi nhưng mỗi khi anh em gặp nhau là chuyện trò rất sôi nổi... Các đồng chí tỉnh uỷ Hải Hưng kể lại với tôi, anh đến thăm Hải Hưng, nói chuyện với Tỉnh uỷ, anh cũng nhắc đến tôi một cách trìu mến và nói: “Trong Đảng ta, cán bộ cao cấp được thử thách, thẩm tra, xem xét kĩ nhất là đồng chí Đoàn Duy Thành...”. Có đồng chí hỏi anh: tại sao anh không bảo vệ được anh Thành? Anh trả lời: “Ba thằng đánh một, chẳng chột cũng què”. Tôi cũng chẳng tìm hiểu họ là ai, mặc dù một số đồng chí Tỉnh uỷ Hải Hưng nói rõ là anh Linh đã chỉ ra họ, tên là gì, nhưng tôi nghĩ tìm hiểu để làm gì? Mình theo tư tưởng và đạo đức của Bác Hồ, và đối nhân xử thế của Khổng đạo. Sách Luận ngữ đã chép, có một học trò hỏi Khổng Tử một câu về xử thế: “Dĩ đức báo oán hà như?”(Lấy điều đức để báo oán lại oán thù có được không?) Khổng Tử trả lời: “Bất nhược dĩ trực báo oan” (không bằng lấy điều thẳng để báo lại). Bởi vậy tìm hiểu chỉ thêm phải suy nghĩ. Một người đã quá đủ rồi, huống chi lại ba người đánh một! Tôi bỏ qua, chẳng nghĩ, chẳng nói làm gì, họ chỉ là người “góp cỗ chia phần” thôi. “Dậu đổ thì bìm leo” đó là thói đời.

Trước khi anh Nguyễn Văn Linh mất 25 ngày, tôi đến thăm anh ở nhà riêng, có các đồng chí Vũ Tiến Lộc, Nguyễn Hữu Hải, Phạm Gia Túc cùng đi. Lúc này anh yếu nhiều. Anh vẫn đi từ gác xuống, một tay bịt một bên mắt, một tay ôm bụng, tiếp chúng tôi hơn 1 giờ. Tôi tặng anh cuốn Côn Đảo một thời để nhớ, hồi kí của tập thể anh em tù chính trị Côn Đảo sinh sống ở Hà Nội. Anh cố vui để tiếp chúng tôi, nói nhiều chuyện trong nước và thế giới. Bất thình lình anh hỏi: “Tại sao lúc đó anh lại thôi Phó thủ tướng nhỉ?”. Tôi cũng bất ngờ. Tôi trả lời anh, tôi từ chức tại hội trường T78, anh chủ trì mà anh quên rồi à? Anh suy nghĩ một lát rồi nhớ ra: “Tại sao tôi lại cho anh từ chức nhỉ?”. Rồi anh lại khóc. Tôi vừa cảm động, vừa thương anh, không biết với anh chống đỡ được đến bao giờ bệnh ung thư đang hoành hành ở anh. Đau yếu thế, mà anh chỉ bàn việc, lo cho nước, cho dân. Bao điều suy nghĩ mà anh bộc lộ với tôi và các đồng chí cùng đi. Chúng tôi rất cảm động về con người cộng sản này. Hoạt động từ năm 13 tuổi, đến 16 đã bị bắt, bị tra tấn và đày đi Côn Đảo. Gần đây đồng chí Nguyễn Văn An, Uỷ viên Bộ Chính trị khi làm trưởng Ban tổ chức kể lại với tôi là: “Anh Linh là người mà bảo nghỉ là nghỉ ngay, rất vui vẻ, không khó khăn như những anh khác...”.

Kể từ sau ngày tôi từ chức, đến lúc anh Nguyễn Văn Linh qua đời, tôi gặp anh bốn lần. Lần nào anh cũng khóc mỗi khi nhắc đến việc từ chức của tôi. Còn tôi từ chức là vì lí tưởng và phẩm chất của tôi, giữ cho đảng ta nội bộ đoàn kết, tìm được người có tài -đồng chí để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đối với anh Nguyễn văn Linh, tôi biết ơn anh đã có tình cảm thực sự chân thành với tôi.

Và từ ngày 02-8-2003 tôi khẳng định được hơn 20 năm qua anh Đỗ Mười là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây rắc rối cho đời hoạt động của tôi.

Còn anh Tô Duy là người trung thành với anh Đỗ Mười, được anh Mười giao mọi việc, đã cung cấp tài liệu giả để anh Mười tin. Khi sự thật đã quá rõ ràng anh Mười không còn cách nào khác, phải kết luận là tôi đúng. Anh Tô Duy vừa không bằng lòng, vừa cố ý tìm chứng cứ để cho anh Mười tin mình đúng, nên đã táng tận lương tâm cứ nói tôi bị bắt tháng 2-1951, dù không có chứng cứ gì cả. Còn anh Mười cũng phải bảo vệ anh Tô Duy. Anh Tô Duy vì anh Mười mà làm. Bởi thế sự việc giải quyết không dứt điểm được. Tôi tự hỏi sự việc này còn kéo dài đến bao giờ? Đó là nguy cơ tiềm ẩn, gây rối ren trong nội bộ, gây bài học xấu cho hiện nay và mai sau về việc tranh chức, tranh quyền trong nội bộ. Còn tôi sống được đến hôm nay vì trong Đảng cũng còn dân chủ, cũng có những cán bộ trung thực, không a dua làm điều bất nghĩa.

Tôi nhớ năm 1996, tôi đến Paris dự hội thảo và dự triển lãm Việt Nam tại Pháp. Xong việc, tôi cùng đồng chí Bùi Việt Cường, đại điện Việt Nam ở Liên hiệp quốc đóng ở Geneve Thuỵ sĩ và ông Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội Việt kiều ở Pháp, đến thăm người em con ông cậu tôi là Nguyễn Đức Riễm đã gần 90 tuổi. Hai vợ chồng chú Riễm đón chúng tôi, chú mừng rỡ nói: “Bác còn giữ được cái đầu đến thăm em là quý lắm rồi! Bên này người ta đồn bác là gián điệp quốc tế, em rất lo. Thế là chế độ cộng sản cũng còn công minh hơn phong kiến nhà Lê. Nếu không thì đã có vụ “Lệ Chi Viên thứ hai ở Việt Nam”. Tôi buồn cười hỏi: “Sao, ghê thế cơ à?” Tôi chẳng thấy gì đáng sợ. Tôi không lúc nào buồn và suy nghĩ ghê gớm như chú cả. Tôi vẫn làm việc bình thường”. (Chú Riễm là cơ sở tình báo của ta, từ 1954 đưa vào vùng tạm chiếm hoạt động, còn hoạt động như thế nào tôi không biết. Chú Riễm đã mất năm 2000).

Trong nước cũng nhiều người lo lắng cho tôi, nhưng tôi không kể làm gì cho thêm đau lòng. Mong sao từ nay trở về sau không còn có những con người như vậy, để Đảng ta vượt lên tầm của thời đại, để có một Đảng trong sáng tuyệt vời. Noi gương Bác Hồ để xây dựng Đảng, thì mọi việc sẽ thành công.

Còn đối với anh Đỗ Mười, tôi phải phục anh là người “siêu” trong việc che giấu nội tâm của mình.

Ngày 21-6-2003 trong thư tôi gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, anh Đỗ Mười, anh Võ Chí Công, ở trang 7 tôi còn đánh giá: “Chắc cả nước ta ai cũng biết đồng chí Đỗ Mười là người thẳng thắn trung thực”. Nhưng mãi đến ngày 2-8-2003, hơn 20 năm, sự thật đã trần truồng, tôi mới khẳng định được, người đứng sau vụ án “gián điệp quốc tế” này, chính là đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư của Đảng ta. Đồng chí Đỗ Mười đạo diễn và chỉ đạo rất tinh vi, lúc cứng lúc mềm đối với tôi, làm cho đối tượng như rơi vào trận đồ bát quái, không xác định được phương hướng. Do đó, quá trình diễn ra vụ án nghi vấn chính trị lớn nhất đối với tôi, có rất nhiều đồng chí, kể cả hầu hết Uỷ viên Bọ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, lúc đó đặt câu hỏi với tôi: “Cần phải xem xét còn có nguyên nhân sâu xa gì nữa mà hơn một chục cán bộ chủ chốt Hải Phòng, không ai có chứng cứ cụ thể, lại dám kí vào đơn tố cáo? Anh cần xem xét kĩ việc này”. Tôi chưa trả lời được câu hỏi ấy.

Nhưng từ sau ngày 2-8-2003, tôi đã có thể trả lời câu hỏi này, khi đồng chí Trần Đình Hoan, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ngày 8-8-2003 đặt câu hỏi như nội dung trên. Xin thưa: “Tất cả là do đồng chí Đỗ Mười”.

Tháng 1-2004 đồng chí Nguyễn Đức Tâm, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương lại đặt lại câu hỏi này với tôi, mà trước đây đồng chí đã hỏi tôi nhiều lần, tôi chưa trả lời được. Nay tôi đã trả lời chính thức đồng chí Nguyễn Đức Tâm: “Tất cả là do đồng chí Đỗ Mười”.

Viết đến đây tôi nhớ đến Nguyễn Trãi. Trước khi qua đời ông đã than rằng:
“Mọi chưng khắp chốn đều thông cả,
Bui một lòng người cực hiểm thay!”
Và, lời trăng trối cuối cùng của Phu-xích, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, tác giả tiểu thuyết Viết dưới giá treo cổ:

“Nhân loại hỡi! Ta yêu tất cả mọi người.

Hãy cảnh giác!”.

(còn tiếp)

0 Response to 'Chương 8'