Free Website Hosting

Chương 11
Kết luận
Ý thứ nhất: Người ta ở đời từ khi biết nghĩ cho tới tuổi trưởng thành, ai ai cũng mong sao được học hành đến nơi đến chốn, thành đạt, có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chẳng ai muốn mình khổ cả. Tuy nhiên đời là biển khổ, khó ai tránh khỏi một lần rơi vào cái biển mênh mông đó. Nhưng được như vậy cũng lấy làm hạnh phúc lắm rồi.


Còn tôi, tôi thấy suốt đời mình là khổ, cho đến tận những năm tháng cuối bây giờ, tuy nhiều người cứ nói tôi có hậu vận tốt. Với tôi, xấu tốt cũng không mấy ý nghĩa, tôi chỉ mong làm được nhiều việc cho nước, cho dân, góp phần biến cái biền khổ đó thành ra biển sướng. Được vậy hạnh phúc biết bao!

Rất tiếc ước mơ đó từ tuổi vị thành niên của tôi đã không thực hiện được đến nơi đến chốn. Tôi tham gia cách mạng khi mới bước vào đời, được các đồng chí đi trước tuyên truyền dìu dắt, nhất là ông Đoàn Hữu Lộng, chú họ tôi, một người kiểu mẫu xứng đáng. Dù ông không tham gia cách mạng được hết cuộc đời, nhưng ông đã sống, đã giữ trọn đạo đức, phẩm tiết cho tới tận tuổi 89, rồi qua đời. Ông luôn là tấm gương lớn cho tôi noi theo: Không giả dối, không bon chen, chỉ mong góp phần xây dựng đất nước, sao cho nước giầu để mình sẽ cùng ở trong cái bể giầu đó mới thật thoả nguyện. Cứ ước mơ và ước mơ, hành động và hành động, cho tới tận cuối đời vẫn thế.

Gần hết cuộc đời với 58 năm đi làm cách mạng, tôi gặp rất nhiều người tốt, kẻ xấu, nhưng lúc nào tôi cũng lạc quan cho rằng số kẻ xấu kia sẽ ngày một hết dần, không thể cứ tồn tại mãi. Có thể sự lạc quan đó do được cách mạng giáo dục, đào tạo, nhất là chúng ta có tấm gương nhân ái của Bác Hồ vĩ đại để noi theo. Bởi vậy tôi có đức tin vào người đi trước, có sự tin tưởng vô tư vào lớp trẻ đi sau.

Gặp bất cứ trường hợp nào người ta không tốt, đối xấu với mình, tôi đều nghĩ đó là thiểu số, không đáng kể. Miễn sao số đông biết vì lợi ích của Tổ quốc dám hi sinh thân mình, hi sinh quyền lợi cá nhân để dành tất cả cho dân tộc. Không thể vì lẽ gì cả một dân tộc hi sinh hàng triệu con người để đổi lấy độc lập tự do hạnh phúc, mà có người lại xấu, lại ích kỉ hại nhân, hoặc bon chen, giành quyền lợi cho riêng mình hưởng thụ.

Ngày hôm nay ngồi viết những trang hồi kí cuối đời này, tôi cũng chỉ muốn thêm một chút nữa góp phần xây dựng Đảng, xây dựng đất nước phồn vinh, khắc phục những gì đang cản trở đất nước đi lên. Tôi lường trước những trang viết không chỉ mang lại lợi ích chung như tôi mong muốn mà biết đâu nó cũng có thể mang lại nguy hiểm cho tính mạng cá nhân người viết. Nhưng tôi xác định viết ra cho toàn Đảng, toàn dân khắc phục được khuyết điểm để tồn tại và phát triển, thì sự hi sinh nào cũng đáng giá. Nhất định phải có một biển sướng, không phải biển khổ! Nếu mình vẫn tồn tại được bơi vài giây phút trong đó cũng toại nguyện lắm rồi. Còn nếu mình không được hưởng thì sau này con cháu, họ hàng, bạn bè, chiến hữu cùng toàn dân tộc được bơi trong một biển sướng, như thế dù sống hay chết cũng là làm trọn nhiệm vụ với dân với nước!

Biết bao suy nghĩ dằn vặt trước khi tôi đặt bút viết tập hồi kí này sao cho “vừa đủ”, nghĩa là không dài quá, không ngắn quá, không nói thừa. Tôi chỉ nói lên một sự thật hiển nhiên trong cuộc đời tôi, cuộc đời ấy hơn một nửa thế kỉ chịu bao cam go mới có tư liệu thật, tư liệu sống để viết lại. Cuốn hồi kí trước hết tôi dành cho con cháu, đồng chí thân thiết, sau nữa dành cho những ai quan tâm đến thời cuộc, hoặc quan tâm đến tác giả, đọc để rút ra một chút gì có ích cho mình, hoặc đọc giải trí cho khuây khoả tuổi già, hoặc khích lệ lòng ham muốn cho tuổi trẻ. Được như vậy cũng là cách làm giàu và phong phú tư duy cho mọi người chứ sao? Đó cũng là một phần “biển sướng tinh thần” vô cùng quan trọng đối với những ai quan tâm đến sự nghiệp xây dựng cơ sở, vật chất cho chủ nghĩa xã hội chứ sao?

Ý thứ hai: Rút ra từ những trang hồi kí, người ta có thể thấy: Muốn thế giới tồn tại và phát triển lành mạnh được, đòi hỏi phải có những cái đầu trí tuệ mới có thể khắc phục biết bao nhiêu khó khăn, ví như:

- Về thiên nhiên: Trời đất xoay vần, nóng lạnh, bão tố, lũ lụt, mưa gió thất thường, không theo quy luật nhất định và con người không thể lúc nào cũng dự đoán, nắm bắt chính xác được. Điều đó không chỉ do thiên nhiên, mà còn do ý thức thiển cận, thiếu học vấn của con người cộng với lòng tham không đáng có, tất cả đã tác động vào thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, làm thủng tầng ôzôn, gây ra nóng lạnh thất thường, băng giá, tuyết tan... khó lòng khống chế được.

- Về con người: Con người ta bản chất bao giờ cũng có hai phần: Phần Con và phần Người. Nếu không học tập rèn luyện, không có trí tuệ thì hành động cũng giống như súc vật. Thế cho nên để con người khác súc vật, mới gọi người là Con người, chứ không gọi con người là súc vật cao cấp. Đã là súc vật thì cao cấp mấy cũng không có phần Người như con người vốn có. Từ ngàn xưa con người đã biết muốn được sống hạnh phúc cho mình thì phải biết tạo cho người khác, cho đồng loại cùng sung sướng, gọi là tính nhân quần. Bởi thế các bậc chí tôn, hiền giả mới nghĩ ra bao nhiêu học thuyết, đạo lí, tìm mọi cách giáo dục, thuyết phục mọi người phải sống theo tính nhân quần ấy. Nhưng tiếc thay chỉ một số rất ít, và rất ít người đi theo, làm theo lời các bậc cứu thế đó. Còn lại số đông, nhất là những người có quyền, có thế, lại vận dụng những học thuyết cao cả để che giấu sai lầm của mình, lừa dối người khác, vụ lợi cá nhân.

Loài người qua kinh nghiệm đấu tranh, quảng đại quần chúng cũng ngày một khôn lên, biết tận dụng thế mạnh của mình, thế yếu của kẻ cầm quyền, rút kinh nghiệm sống còn: Không có cây gậy giữ thân thì không thể tồn tại được. Và những người cầm quyền cũng rút ra rằng dù mạnh mấy mà không có một cơ chế quản lí vững thì cũng dẫn đến: “Nhất đại vi quan, vạn đại vi dân”. Lúc đó sẽ như câu ca dao: Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa. Bao giờ trời nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa.

Bởi vậy kẻ cai trị và người dân bị trị gặp nhau ở một điểm là phải tìm ra một khuôn khổ để cùng nhau tồn tại, ai cũng được bình đẳng, sung sướng. Cái khuôn khổ đó đã được các vĩ nhân qua nhiều thời đại cố gắng tìm ra, nhưng nó có mặt hay, có mặt dở, không cái nào trọn vẹn. Tất nhiên theo quy luật tiếp thu truyền thống những phát kiến sau thường có mặt tiến bộ, hợp lí hơn trước. Cho tới khi học thuyết của Marx ra đời, nó mang tính nhân văn cao hơn hẳn, có sức thuyết phục hơn hẳn.

Nhưng dù sao đó mới chỉ là học thuyết, chưa có thực tế kiểm nghiệm. Rồi Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917 Lênin đã đem học thuyết vĩ đại đó áp dụng vào một đất nước rộng 1/6 địa cầu, là người có công rất lớn. Ông vận dụng sáng tạo học thuyết của Marx vào nước Nga, đem lại một số kinh nghiệm cho loài người. Việc Stalin lãnh đạo nước Nga làm nên chiến thắng kì diệu chống phát xít Đức là nhờ tinh thần quật cường của dân tộc Nga, kết hợp với tính quyết liệt, bất chấp nguy nan và thiên tài quân sự của người lãnh đạo tối cao làm nên. Hơn ai hết dân tộc Nga hiểu rằng phải đánh thắng phát xít Đức mới mong thực hiện được ý tưởng của Marx - Lênin. Đó là động lực tinh thần quan trọng, là quyết tâm biến ước mơ thành hành động của nhân dân Liên Xô. Khi thế chiến thứ hai kết thúc, vòng nguyệt quế với bao lời tung hô chiến thắng, đã tạo nên một đám mây đen che phủ trong đầu những người lãnh đạo đất nước rộng nhất thế giới này. Sự vinh quang làm cho họ mê mụ, hay phần lớn những cái đầu hạn hẹp kiến thức đã trút hết trí lực vào cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại rồi, nay số kiến thức dành cho việc xây dựng và phát triển đất nước đã không nhiều lại bị đám mây đen nói trên che phủ, nên suy tư cho kinh tế của các vị đã không đáp ứng được với thời cuộc.

Những vị lãnh đạo đó không còn đủ trí tuệ tìm ra con đường dẫn dắt dân tộc từng bước tiến lên xã hội chủ nghĩa, dân giàu nước mạnh, lại thêm lòng ham hố vinh quang, quyền lực, tạo ra sự “kiêu ngạo cộng sản”, nước lớn nước bé, dân tộc đa số, dân tộc thiểu số, khiến ngày càng đi xa với thực tế cuộc sống của dân. Đã vậy cuộc sống hoà bình sau bao năm hi sinh gian khổ sinh ra sự ham muốn hưởng thụ ở họ không có bờ bến. Việc làm cho tương lai, cho dân tộc đã bị coi nhẹ hoặc quên lãng, nhưng sự hưởng thụ vật chất cho cá nhân mình lại được đề cao, được quan tâm quá mức. Họ quên rằng với cuộc Cách mạng tháng 10, với cuộc chiến tranh vệ quốc có những mặt chưa được thấu tình đạt lí, còn bao việc phải làm, còn tồn dư sự thù hận trong nội bộ dân tộc. Trong khi đó những lực lượng đối kháng lại là những người thực tế, biết thân biết phận, xoay vào củng cố và phát triển lực lượng hùng mạnh, tìm những cái hay của chủ nghĩa Marx - Lênin để rút kinh nghiệm, vận dụng, đồng thời tìm những khe hở của Liên Xô và các nước Đông Âu tranh thủ phân hoá bằng mọi cách rất tinh vi. Đến khi chín mùi, họ làm cho nó tự đổ vỡ từ bên trong, không ai cứu vãn nổi. Bài học đó không bao giờ nên quên.

Đáng lưu ý là phe đối kháng không ngừng mở rộng dân chủ, đào tạo tuyển dụng người có tài, có đức để quản lí đất nước một cách tài tình. Còn Liên Xô và các nước Đông Âu thì trì trệ về lĩnh vực này. Đến mức ở Berlin, mấy hôm trước đồng chí Hônếchcơ, Tổng Bí thư Đảng Xã hội Dân chủ Đức, Chủ tịch Đông Đức, đón đồng chí Nguyễn Văn Linh sang dự quốc khánh, một ngày lễ có hàng triệu người tham dự, tung hô lời chào mừng nồng nhiệt nước Cộng hoà Dân chủ Đông Đức. Vậy mà sau một tuần đồng chí Nguyễn Văn Linh về nước, bức tường Berlin bị phá đổ, đồng chí Hônếchcơ bị bắt, bị đưa ra xử.

Còn ở Liên Xô thì 36 triệu Đảng viên Cộng sản đứng ngoài cuộc để Gooc-ba-chốp thao túng, muốn làm gì thì làm, cho đến khi đổ sụp cả thành trì cách mạng thế giới. Cho nên có thể nói sự nghiệp đất nước vững mạnh tiến lên, hay thụt lùi sụp đổ, một phần là trách nhiệm người đứng đầu nhà nước quyết định. Lên nhanh, đổ nhanh; xuống chậm, đổ từ từ cũng là do người đứng đầu. Nếu không chọn người đúng đầu có tài, có đức, quản lí đất nước có phương pháp khoa học, sáng tạo với một cơ chế chặt chẽ, thì chẳng khác gì dùng “đóm đi soi ếch”, phó mặc cho vận may rủi, thịnh suy, rồi tin vào quy luật “có thịnh, có suy” sẽ rất nguy hiểm. Nhiều nước người ta có cơ chế chính sách, có khuôn khổ pháp luật phù hợp, họ lại đào tạo, chọn lựa ra nhân tài lãnh đạo đất nước nên họ vẫn liên tục phát triển. Ta có khoa học biện chứng lại không làm được việc đó, thực là đáng tiếc.

Ý thứ ba: Việt Nam muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội bằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm công cụ xây dựng và tích lũy tập trung vốn, muốn thế chúng ta cần phải dựa vào lí luận của Marx và tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng lấy học thuyết độc lập và hoàn chỉnh. Tham khảo kinh nghiệm các nước bạn cũng rất cần, nhưng tuyệt đối không được sao chép những điều mình tâm đắc vào văn kiện của mình, làm cho nó trở nên hữu danh vô thực, không có sức sống, không có khả năng thực thi. Bài học ấy muôn thuở chính xác kể cả trong chiến tranh lẫn trong hoà bình xây dựng. Khi nào ta thực sự sáng tạo là ta thành công. Trong bất cứ quốc gia nào, vấn đề xã hội bền vững được đặt lên hàng đầu. Xã hội nào không bền vững trên linh thần đoàn kết dân tộc, dân chủ thực sự với mọi tầng lớp nhân dân thì xã hội ấy có nguy cơ sụp đổ. Bởi vậy rất cần trên dưới đoàn kết một lòng, không ngừng trau dồi học tập, mở mang và nâng cao dân trí trên nền văn hoá truyền thống để toàn xã hội được hưởng thụ nền dân chủ đích thực.

Chúng ta đã có vị thế đáng tự hào nên trường quốc tế vì đánh thắng đế quốc Mỹ, một nước giầu mạnh nhất toàn cầu, hầu hết các nước khác đều nể sợ. Thế mà dân tộc ta đã chiến thắng. Cuộc kháng chiến thần thánh ấy góp vào kho báu lịch sử dân tộc như một tài sản vô giá. Có những người ngoại quốc chỉ muốn đến Việt Nam một ngày, để chiêm ngưỡng xem hình dáng lẫn trí tuệ người Việt Nam thế nào, mà dám đánh và đánh thắng đế quốc Mỹ. Đó là một lợi thế vô cùng quan trọng. Nhưng sau ba mươi năm chiến thắng, chúng ta không những không bồi đắp cho nó mà còn làm mất mát đi khá nhiều lợi thế của đất nước, làm xói mòn lòng tin của chính nhân dân ta, bè bạn ta. Trong những năm qua, nhất là sau những năm đổi mới, xã hội xuống cấp quá nhanh, chưa có báo cáo năm nào nêu được chỉ tiêu xã hội như chỉ tiêu phát triển kinh tế đáng phấn khởi, ngược lại năm nào cũng nêu tệ tham nhũng chưa khắc phục như một quốc nạn, rồi nghiện hút, SIDA chưa bao giờ giảm, chỉ thấy tăng... Đã vậy sự mất đoàn kết trong Đảng, trong dân ngày càng nghiêm trọng, ức hiếp dân để xảy ra khiếu kiện liên miên. Đi đến đâu, làm việc gì cũng gặp tệ nạn hối lộ, ăn chặn. Sự tha hoá trong bộ máy công quyền mà các báo cáo của Chính phủ, của Quốc hội, của Đảng, kêu ca thảm thiết, nhưng nó vẫn cứ tồn tại ngày một nghiêm trọng. Có thể nói phổ biến cán bộ viên chức nhà nước từ hành vi nhỏ đến lớn đều liên quan đến tham nhũng. Trong khi đó một nước tư bản gần kề chúng ta là Singapore mức tham nhũng trong viên chức nhà nước không quá 5%.

Nói thế để chúng ta tìm ra nguyên nhân mà xử lí những vấn đề xã hội đáng báo động trên. Mọi việc quy lại đều do con người tạo ra và do con người quyết định tất cả. Mới thấy vị trí con người có tầm quan trọng nhường nào. Quần chúng nhân dân bỏ lá phiếu bầu ra những người đại diện họ, lãnh đạo đất nước, nếu họ có trí tuệ, biết lựa chọn người tài đức, người tìm được biện pháp xây dựng cơ chế, xây dựng luật pháp, theo dõi bộ máy thực hiện luật pháp nghiêm túc, lúc đó người dân đỡ khổ. Nhược bằng họ kém trí tuệ không biết tốt xấu, bầu bán cho xong chuyện, “quan ba cũng ừ, quan tư cũng gật”, hỏi lấy đâu ra nhân tài phục vụ lại họ?

Đó là vấn đề muôn thuở, ai cũng biết, nhưng vẫn không làm được, hoặc cố tình không làm. Nhân dân lâu nay đã tạo ra những người lãnh đạo hầu như chỉ cần chức và quyền để vụ lợi cho riêng mình, còn nhiệm vụ phục vụ nhân dân làm qua quýt, che mắt thế gian.

Nhìn các nước quanh ta, những người lãnh đạo nổi danh như Đặng Tiểu Bình của Trung quốc; Lí Quang Diệu của Singapore; Mahathir của Malaysia họ đều tạo cho đất nước những bước nhảy vọt... mới thấy rõ vai trò cá nhân quyết định đến vận mệnh quốc gia như thế nào. Năm 1997, một buổi chiều tôi đến biên giới giữa Malaysia và Singapore thấy hàng ngàn hàng vạn người Malaysia sang lao động ở Singapore, xếp hàng qua cửa khẩu về nước. Thế mà năm 2003 họ đã kí hợp đồng thuê hàng vạn lao động Việt Nam sang Malaysia làm việc, vì lao động trong nước quá thiếu, chỉ 7 năm họ thay đổi lao động. Còn Việt Nam cứ thiếu việc, cứ phải đi làm thuê, trong hoàn cảnh chủ quan ta thuận lợi hơn hơn nhiều. Đó là điều cần học tập bạn. Giá mà ta có được người lãnh đạo đất nước tài đức, tạo nên bước ngoặt phát triển nhanh cho nhân dân đỡ khổ, không phải đi làm thuê cho nước ngoài thì đâu đến nỗi phải chịu bao cảnh nhục nhã, rắc rối đến với người đi lao động đã được phơi bày trên báo chí gần đây.

Ông cha ta nói “Một người biết lo bằng kho người biết làm” để đề cao vai trò nhân tài của mọi thời đại. Vì chính nhân tài mới là người tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho đất nước. Những nhà lãnh đạo nên luôn luôn chú trọng đến câu: “Bỏ sót nhân tài là có tội với quốc gia”, mà tổ chức tuyển chọn kĩ càng, công khai, chính xác. Không nên để đến Đại hội mới bàn ra tán vào, có khi người nỏ mồm, nịnh hót, gáy hay lại được tuyển lựa, người thầm lặng, thật thà, tài đức thật sự lại bị bỏ quên. Không phải ít những nhà lãnh đạo gặp vài lời nói trái ý mình đã vội vàng thành kiến, trù dập. Bởi thế họ chỉ thích người xu nịnh, lựa chiều (mà số người xu nịnh ít khi có tài, trình độ trí tuệ kém) kết quả có khi tuyển lựa phải người dốt nát. Nếu dốt lại nhiệt tình nữa thì như Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi sinh thời đã nói: “Dốt nát cộng với nhiệt tình thành phá hoại”. Nhỡn tiền chúng ta cũng thấy điều đó ở một vài người rồi. Đó cũng là bài học quý cho việc chọn lựa nhân tài vậy.

Nhưng nếu nhà nước may mắn đã chọn được nhân tài, lúc ấy lại cần một sự tin cậy trao phó cho họ nhiệm vụ lãnh đạo đất nước, không can thiệp. Bởi vì họ có hệ thống tư duy thống nhất, nếu bị xen vào, bị ức chế đôi khi sẽ làm phá vỡ kết cấu kế hoạch, hỏng cả đại sự quốc gia. Kết thúc tập hồi kí này, tôi mong nó góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng đất nước. Tôi ao ước sao mọi người đi đâu cũng có thể ngẩng cao đầu tự hào là người Việt Nam văn minh, giàu đẹp, có văn hoá, có trí tuệ. Muốn làm được thế phải thực hiện lời Bác Hồ đã dậy: “Muốn có chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Lời nói đó nghe nhiều cũng quen tai, nhưng thực là chí lí, làm được khó lắm. Cho nên ta phải chịu nghe, chịu nhắc lại để thấm nhuần câu nói của Bác. Nhiều năm qua tôi cứ suy ngẫm mãi thấy nó quả là sâu sắc, quả là thâm thuý! Bác lo xa cho Đảng cho dân tộc biết chừng nào! Nếu chúng ta không bồi dưỡng giáo dục cho có con người xã hội chủ nghĩa thì chủ nghĩa xã hội sẽ xa vời, chẳng khác nào cái bánh vẽ.

Làm người đã khó, làm người xã hội chủ nghĩa còn khó hơn nhiều, chúng ta chỉ có cách duy nhất quyết tâm vượt qua mọi trở ngại và làm cho được, như các cụ xưa đã dạy:
Thế thượng vô nan sự
Nhân tâm tự bất kiên
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã Việt hoá tài tình và súc tích câu thơ như sau:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Chúng ta cần bền gan vững chí làm theo lời Bác dạy.
0 Response to 'Chương 11 -Hồi Ký Đoàn Duy Thành'